User:Vuara/Dịch thuật một vấn nạn ngôn ngữ
(2) Một cô gái đẹp.
Cũng cùng nội dung ấy, người Anh sẽ nói: “a pretty girl”, hoặc người Đức: “ein schưnes Mädchen”. Hai cấu trúc câu (tiếng Việt so với tiếng Anh, tiếng Đức) khác nhau 2).
Đặt câu hỏi, vì sao người Việt không đặt tính từ “đẹp” trước danh từ “cô gái” mà nói “một đẹp cô gái” cho giống người Anh, người Đức ? Người Tàu nói một “mỹ nhân”. “Mỹ” là “đẹp”, “nhân” là “người”, tại sao người Việt nói ngược thành “người đẹp”. Nói theo ngôn ngữ học là tại sao danh từ trong tiếng Hoa được thêm nghĩa bên trái (left attributed), còn tiếng Việt thì bên phải (right attributed), nghĩa là theo nguyên tắc “chính trước, phụ sau” (như thường gọi) ?
Cái gì cũng có nguyên nhân. Tiếng Việt là một ngôn ngữ thường dùng nguyên tắc đề diễn (Theme/Rheme). Người Việt thường lập câu tịnh tiến để diễn đạt nguyên tắc này. Nguyên tắc đề diễn nói lên trình tự nhận diện và nhận thức về một đối tượng muốn diễn tả. Trình tự này giống như một hàm số: trước nhất phải có phần tử gốc, rồi sau đó mới ứng dụng được một hàm số chọn lọc lên đó để được một phần tử ảnh. Ở ví dụ trên, đối tượng “một cô gái” chính là phần tử gốc. “Đẹp” là hàm số. Kết quả là “một cô gái đẹp”, một phần tử ảnh. Điều này logic, bởi trước nhất phải có “một cô gái” rồi mới xem có “đẹp” không. Nói một cách tổng quát, trước nhất phải nhận diện được đối tượng, rồi mới nhận thức về đối tượng, nghĩa là đánh giá về đối tượng đó. Bởi cái trật tự logic này mang tính tuyến tính, người Việt mới nói xuôi. Trong khi đó, người Anh, người Đức, người Tàu đều nói ngược. Tất nhiên họ có lý do của họ.
Sự khác biệt của ngôn ngữ có liên quan đến đặc tính ngữ pháp. Những đặc tính có thể giải thích được bằng nhiều cách khác nhau. Ví dụ như dựa vào các tiền đề cấu trúc sâu (deep structure), cấu trúc bề mặt (surface structure), chức năng, ... (do khuôn khổ bài viết có giới hạn, không thể vào chi tiết; xin xem thêm Language and Responsibitity (Chomsky 1979)).
Đối với mọi ngôn ngữ, nguyên tắc hành ngôn quyết định ngữ pháp. Tiếng Việt không khác. Khi ngữ pháp bị méo mó, nó sẽ làm hệ thống nguyên tắc hành ngôn bị ảnh hưởng lây. Theo thời gian, hạ tầng cơ sở tiếng Việt sẽ từ từ xuống cấp. Cuối cùng đến lúc nào đó, sẽ không còn ai đủ can đảm hoặc đủ khả năng giải thích nổi cái cấu trúc của nó, bởi bài bản của nó đã bị loạn chiêu hóa, phi logic hóa.
Xưa nay ngữ pháp tiếng Việt đã bị biến đổi một cách vô tình, chủ yếu là qua hoạt động dịch thuật mà đa phần đều xuất phát từ dịch thuật khoa học nhân văn. Thiếu kiến thức ngôn ngữ học, người dịch có thể làm hư tiếng Việt lúc nào không biết. Dẫu biết vậy nhưng làm sao có thể trách một người đã sao y cấu trúc ngữ pháp tiếng Anh, tiếng Pháp vào tiếng Việt, trong khi người ấy không phân biệt được cấu trúc ngữ pháp của hai ngôn ngữ khác nhau thế nào ? Cái khác biệt của từng ngữ pháp nói lên đặc điểm của từng ngôn ngữ, làm sao con người có thể nhận biết ngôn ngữ của mình có đặc điểm gì, tinh hoa gì mà không phải ngôn ngữ nào cũng có ? Làm sao có thể trách người dịch khi họ không được trang bị một thức kiến tối thiểu về ngôn ngữ học: Thành tố (constituent) là gì ? Cấu trúc ngữ đoạn (phrase structure) là gì ? Tiếng Việt có những quy tắc ngữ pháp nào ? Vân vân và vân vân. Có nhà trường nào dạy cho họ những thứ ấy ? Đó là chưa kể trường hợp có nhiều người dịch sống lâu năm ở hải ngoại đã bị bản ngữ ảnh hưởng nặng đến nỗi, khi dịch, họ đã vô tình phản chiếu hầu như 1-1 cái cấu trúc bề mặt (surface structure) của ngoại ngữ vào tiếng Việt. Hãy xem một vài ví dụ mà người dịch tưởng rằng người Việt nào nghe cũng lọt lỗ tai.
Câu bị động (passive sentence):
(3) My father was fined by the police.
Đây là cách lập câu bị động thông thường trong tiếng Anh. Nhiều người hay dịch sát từng chữ câu trên sang tiếng Việt:
(4) Bố tôi bị phạt bởi công an.
Câu này lai cấu trúc tiếng Anh. Ta nên nhớ, trong tiếng Việt, cấu trúc câu xác định giống cấu trúc câu nghi vấn, cho nên không ai hỏi:
(5) Bố anh bị phạt bởi ai ?
mà là hỏi:
(6) Bố anh bị ai phạt ?
Hoặc thay vì dùng “bởi” ở thái bị động (passive voice) theo kiểu tiếng Anh, người Việt hỏi:
(7) Bố anh bị gì ?
Với câu hỏi đó, người nghe có thể trả lời đại khái như:
(8) Bố tôi bị phạt. (9) Bố tôi bị bệnh. (10) Bố tôi bị thất nghiệp, lường gạt, v.v.
Cấu trúc trên là một loại cấu trúc tịnh (một thuộc tính của tính tịnh tiến trong tiếng Việt). Tịnh được hiểu là cấu trúc câu hỏi giống cấu trúc câu trả lời. Cụ thể, chỉ cần thế vào vị trí từ nghi vấn “gì” bằng một từ xác định nào đó như “phạt”, “bệnh”, ..., ta sẽ có câu trả lời mà không cần phải chuyển vị bằng cách đặt động từ lên đầu câu như ở các ngôn ngữ nghịch đảo (inversion language) Anh, Pháp, Đức, ...
Muốn trả lời cụ thể hơn, ai là tác nhân gây ra hành động, người ta hỏi:
(11) Bố anh bị ai làm gì ?
Từ đây mới có câu trả lời tịnh tiến, ví dụ:
(12) Bố tôi bị công an phạt. (13) Bố tôi bị hãng sa thải. (14) Bố tôi bị người ta lường gạt.
Chứ không ai nói:
(15) Bố tôi bị phạt bởi công an (16) Bố tôi bị sa thải bởi hãng. (17) Bố tôi bị lường gạt bởi người ta.
Tương tự vậy, người Việt không nói:
(18) Bà đó bị phạt bởi trời. (19) Ông đó bị cắn bởi chó. (20) Đứa con út được cưng chìu bởi bố mẹ. (21) Cuộc thi hoa hậu được tổ chức bởi hãng nước hoa Chanel. (22) Tội ác sẽ bị lên án bởi xã hội.
mà là nói:
(23) Bà đó bị trời phạt. (24) Ông đó bị chó cắn. (25) Đứa con út được bố mẹ cưng chìu. (26) Cuộc thi hoa hậu do hãng nước hoa Chanel tổ chức. (27) Tội ác sẽ bị xã hội lên án.
Giả như “trời”, “chó”, “bố mẹ”, “hãng nước hoa Chanel”, “xã hội” không đóng vai trò theta (q role) 3) như một tác nhân đi chăng nữa, vẫn có trường hợp muốn diễn tả thái bị động mà người Việt không thể bắt chước y hệt cách lập câu của người Anh:
(28) A mountain was seen in the distance. (29) * 4)Một ngọn núi được trông thấy ở đằng xa.
Câu dịch sát chữ như vậy không được tự nhiên vì chúng ta đã vô tình sao chép nguyên cấu trúc tiếng Anh vào tiếng Việt. Cách hành ngôn đó là của người Anh. Cách hành ngôn của người Việt khác:
(30) Người ta thấy có một ngọn núi ở đằng xa. (31) Người ta thấy một ngọn núi ở đằng xa. (32) Có một ngọn núi ở đằng xa.
Cách hành ngôn trên mang tính tịnh tiến:
Hỏi: Người ta thấy gì ? Trả lời: Người ta thấy một ngọn núi.
Nghĩa là cấu trúc câu hỏi vẫn là cấu trúc câu trả lời. Chỉ khác là “gì” được thay thế bằng “một ngọn núi” vào đúng ngay vị trí của nó. Cấu trúc không đổi được coi như tịnh. Còn câu cứ kéo dài mãi thì được gọi là tiến (tuyến tính, tiến về phía phải), nhưng phải hợp lý, ví dụ:
Hỏi tiếp: ... ngọn núi nào/ở đâu. Cuối cùng là câu trả lời: Người ta thấy một ngọn núi ở đằng xa.
Cả những cấu trúc đề diễn (Theme/Rheme structure) chứa mệnh đề chính (main clause) và mệnh đề phụ (subordinate clause) trong tiếng Anh tưởng chừng rất dễ dịch sang tiếng Việt, thế nhưng không hẳn thế:
(33) It was I who knocked at your door.
Nguyên câu trên là mệnh đề chính. Đoạn “who knocked at your door” là mệnh đề phụ. Đây là hình thức câu chẻ (cleft sentence) rất thông dụng trong tiếng Anh. Tuy nhiên nếu sao chép cấu trúc này vào tiếng Việt, chúng ta sẽ được một câu nghe khá lạ tai:
(34) Đó là tôi người đã gõ cửa phòng anh.
Người Việt không nói thế. Cao lắm họ nói:
(35) Chính tôi đã gõ cửa phòng anh.
Hình thức câu chẻ trên hầu như không thấy trong tiếng Việt.
Hoặc một hình thức khác là dùng “to”:
(36) You forget to answer his letter. (37) * Anh quên để trả lời lá thư của hắn.
Người Việt không nói vậy mà thông thường là:
(38) Anh quên trả lời thư hắn. (39) Anh quên trả lời lá thư của hắn.
Hoặc:
(40) I’ll come to see you tomorrow. (41) * Tôi sẽ tới để thăm anh ngày mai.
Trong trường hợp này, vẫn có cách nói thuần túy Việt Nam:
(42) Mai tôi sẽ tới thăm anh. (43) Ngày mai tôi sẽ tới thăm anh.
Nói chung, thay vì dùng “to” giữa hai động từ như người Anh, người Việt thường ghép 2 động từ lại một: “quên trả lời”, “tới thăm”, ... Dĩ nhiên trong tiếng Việt cũng có cách dùng“để” mà thường bị hiểu nhầm là hoàn toàn đồng nghĩa với “to” của tiếng Anh hoặc “zu” của tiếng Đức. Trong tiếng Việt, “để” nằm giữa hai động từ cốt để diễn tả một hành động nhằm mục đích gì, hoặc để diễn tả ý nghĩa nhằm mục đích gì:
(44) Ăn để mà sống chứ không phải sống để mà ăn. (45) Sở dĩ tôi phải giải thích dông dài là để anh đừng hỏi nữa.
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ
Gửi lúc 21:09, 12/03/03
CafeNovember
Đi tìm một chữ HOÀI
,Vietnam
Thành viên từ 09:08, 08/12/02
Đã được 2 người bình chọn (5.00)
Than phiền
Chúng ta nhận thấy, qua các ví dụ trên, tiếng Anh là một loại ngôn ngữ tuyến tính giống như tiếng Việt, đặc biệt là cấu trúc câu xác định. Tuy vậy, hai ngôn ngữ vẫn không giống nhau hoàn toàn.
Ngữ pháp có thể bị người dịch thiếu hiểu biết vô tình làm hư mất. Nhưng lạ thay, đối với giới dịch thuật Việt Nam, có lẽ điều này không đúng hẳn. Nhìn vào thực tế, ai cũng thấy có một hiện tượng khá lạ lùng là khi dịch tiếng Việt sang ngoại ngữ, người dịch cố gắng viết đúng ngữ pháp của ngoại ngữ ấy, ngược lại, khi dịch một ngoại ngữ sang tiếng Việt, người dịch lại sao chép cấu trúc ngữ pháp của ngoại ngữ ấy vào tiếng mẹ đẻ của mình. Đây là một nhược điểm tiêu biểu của người Việt. Trong khi đó, thử lấy tiếng Đức làm ví dụ, thử đọc bất kỳ một cuốn sách nào được dịch sang tiếng Đức, người đọc phải công nhận, người dịch luôn cố gắng viết đúng ngữ pháp tiếng Đức. Điều này chẳng có gì khó hiểu, bởi giới dịch thuật có bài bản là giới không những chỉ thành thạo ngôn ngữ một cách vô thức như người thường (hiểu theo Chomsky là người nói/nghe lý tưởng) mà còn có tri thức ngôn ngữ, nghĩa là ít nhiều gì họ cũng có học về ngôn ngữ học, trong đó, cú pháp (syntax) và ngữ nghĩa (semantic) là hai bộ môn bắt buộc. Lý do cần kiến thức cú pháp là để tránh vấn đề ngữ pháp, lý do cần kiến thức ngữ nghĩa là để tránh vấn đề diễn giải nội dung. Làm chủ kiến thức ngôn ngữ vẫn chưa đủ, họ còn có ý thức bảo vệ tính trong sáng của ngôn ngữ. Có thể nói, kiến thức ngôn ngữ và ý thức ngôn ngữ là hai điều kiện căn bản bắt buộc mỗi người dịch thuật chuyên nghiệp phải có.
Thế thì chúng ta, mỗi người đã từng dịch thuật, hãy tự hỏi mình đã đạt được những điều kiện ấy chưa ? Nên nhớ, viết hay chưa đủ mà còn phải viết đúng ngôn ngữ. Điều này hết sức quan trọng, vì khi người đọc tiếp thu cái sai, nó sẽ tiếp tục lây lan như bịnh dịch, làm tiếng Việt càng bịnh thêm.
Nói thế, chắc sẽ có ý kiến cho rằng, các ngoại ngữ mạnh như tiếng Anh chẳng hạn, nhờ cấu trúc đa dạng, họ có thể diễn đạt nội dung một cách phong phú, dễ dàng; điều này ta nên học hỏi. Theo tôi, cái nhìn này có vẻ thuần cảm xúc. Người có ý kiến ấy có lẽ chưa nhìn thấy mặt giới hạn của tiếng Anh. Hãy thử nhìn vào các lý thuyết nguyên thủy dựa trên ngữ pháp tiếng Anh như Ngữ pháp biến hình tạo sinh (Generative Transformation Grammar), Lý thuyết căn bản (Standard Theory), Lý thuyết căn bản mở rộng (Extended Standard Theory), Lý thuyết chi phối và ràng buộc (Government and Binding Theory (GB)), Nguyên tắc và thông số (Principles and Parameters (P&P)), Tối thiểu luận (Minimalism (MP)) của Chomsky5). Quy tắc ngữ pháp được lập nên từ các lý thuyết đó đã phải được bổ sung, mở rộng để thỏa các cấu trúc ngôn ngữ khác mà tiếng Anh không có, ví dụ phần lớn quy tắc cấu trúc ngữ đoạn của tiếng Anh chỉ là một tập hợp con của tiếng Việt (tất nhiên tiếng Anh cũng có các cấu trúc mà tiếng Việt không có). Cụ thể, nhờ lý thuyết X-gạch (X-bar theory)6), người ta có thể gói ghém hầu hết các cấu trúc tiếng Anh vào 3 quy tắc:
(i) Quy tắc biệt định ngữ (specifier phrase rule): X’ ® (YP) X’ (ii) Quy tắc phụ ngữ (adjunct phrase rule): X’ ® X’ (ZP) | (ZP) X’ (iii) Quy tắc bổ ngữ (complement phrase rule): X’ ® X (WP)
Thế nhưng các quy tắc trên không thể giải thích mọi ngôn ngữ, vì vậy mà phải được mở rộng thành:
(iv) Quy tắc biệt định ngữ: X’ ® X’ (YP) | (YP) X’ (v) Quy tắc phụ ngữ: X’ ® X’ (ZP) | (ZP) X’ (vi) Quy tắc bổ ngữ: X’ ® X (WP) | (WP) X
Kết quả, chúng có thể giải thích được các ngôn ngữ Ấn-Âu (Thổ, Ba Lan, Ý, ...), kể cả tiếng Tàu cũng không thành vấn đề, song đụng tới tiếng Việt là thất bại ngay. Tại sao ? Bởi làm sao có thể giải thích hoàn hảo được tính cảm đề của tiếng Việt, hoặc tính tỉnh lược, hoặc những loại hư từ đa năng không nằm trong các lớp từ như “verb class”, “noun class”, “adjective class”, “prepositional class”, ... mà xưa kia các nhà ngôn ngữ Tây phương cứ nghĩ ngôn ngữ tự nhiên (natural language) chỉ có chừng ấy mà thôi7) ?
Nói ngắn gọn, nếu nghiên cứu kỹ về cú pháp học, chúng ta sẽ hiểu tại sao các quy tắc ngữ đoạn tiếng Anh không đủ giải thích tiếng Việt. Đừng nên nghĩ văn hay hoặc dở là do cấu trúc. Muốn diễn tả thế nào đi nữa, chúng ta chỉ có bao nhiêu đó loại ngữ đoạn chính (động từ, danh từ, tính/trạng từ, giới từ, ...)8). Không ai phủ nhận cấu trúc ngôn ngữ là hạ tầng cơ sở của câu văn, song chưa hẳn đó đã là hạt nhân quyết định hoàn toàn văn phong của người viết. Viết hay/dở còn tùy vào cách dùng chữ, cách tỉnh lược, cách bố cục, ... và đặc biệt là ý tưởng. Người viết tiếng Anh/Pháp/Đức ... cũng chỉ dùng bao nhiêu đấy loại ngữ đoạn để diễn đạt ý tưởng. Tiếng Việt cũng có các loại ngữ đoạn ấy.
Đã nhìn thấy vấn đề, nay hãy đặt câu hỏi: Làm thế nào để giải quyết được vấn đề đó ? Có một điều rất rõ và nên nhìn nhận là mặt giáo dục ngôn ngữ của Việt Nam xưa nay rất yếu. Yếu đến nỗi người Việt dùng tiếng Việt còn không biết cấu trúc của nó thế nào. Nhiều người tự mãn, tiếng Việt hay lắm, phong phú lắm, sâu sắc lắm, v.v., tiếng Anh, tiếng Pháp không bằng, ... Không hiểu nhiều, không nhìn ra thế giới bên ngoài mà tự đắc. Ngược lại, vì nhìn ra bên ngoài nhưng lại không thực sự hiểu hết cái hay đặc trưng của tiếng Việt bên trong, thấy mình không bằng ai, mất tự tin rồi cứ thế mà sao y bản chính cấu trúc ngôn ngữ của người ta. Cả hai thái độ đều không giúp chúng ta giải quyết được vấn đề.
Nếu không có điều kiện học hỏi như ở các xứ tân tiến, chúng ta vẫn có cách giải quyết vấn đề như thường mặc dù tương đối. Mỗi người Việt (biết tiếng Việt) đều nói đúng ngữ pháp cả. Xin lưu ý là nói chứ không phải viết. Cái kho tàng quy tắc ngữ pháp còn nguyên vẹn đấy, nó nằm trong vô thức của từng người. Đó là điểm lợi nếu biết vận dụng thẩm năng ngôn ngữ của mình. Cụ thể, người dịch thuật văn chương có thể thử nghiệm một trong hai giải thuật dịch ngoại ngữ sang tiếng Việt sau đây:
Giải thuật 1:
Bước 1: Dịch 1-1 đúng vị trí từng chữ/từ trong câu bản gốc. Bước 2: Đổi vị trí từ hoặc lược từ trong từng thành tố một sao đúng kiểu tiếng Việt, theo văn nói. Bước 3: Đổi vị trí thành tố sao cho đúng cách hành ngôn tiếng Việt (văn nói) Bước 4: Chọn lọc từ ngữ, lược từ, mở rộng thành tố cho vừa ý. Bước 5: Lập lại bước 1 cho câu kế tiếp.
Giải thuật 2:
Bước 1: Hiểu kỹ ý từng câu trong văn bản gốc. Để ý văn mạch, ngữ cảnh phía trước. Bước 2: Dịch tất cả các từ trong câu văn bản gốc sang tiếng Việt. Bước 3: Lẩm nhẩm trong miệng, với ý chính đó, ta sẽ nói bằng tiếng Việt thế nào cho xuôi rồi ghi lại. Xin lưu ý là văn nói chứ không phải văn viết. Bước 4: Thêm các chi tiết còn lại cũng bằng văn nói. Bước 5: Chuyển sang văn viết: Văn nói thường rất luộm thuộm. Cần trau chuốt. Dùng các phương pháp như phép tỉnh lược, phép thế, phép mở rộng, ... ngoại trừ phép hoán vị. Bước 6: Đối chiếu nội dung văn viết bản dịch với bản gốc xem có sát nghĩa không. Bước 7: Xem cách hành ngôn có mất tự nhiên quá hay không (lấy văn nói làm mẫu đối chiếu). Bước 8: Lập lại bước 1 cho câu kế tiếp.
Có giải thuật nhưng chưa hẳn là không có điều kiện. Ví dụ, giải thuật 1 chỉ ứng dụng được đối với người dịch ít nhiều đã hiểu các nguyên tắc hành ngôn theo tiếng Việt (tính cảm đề, tính tịnh tiến, tính tỉnh lược, tính đề diễn, ...) cũng như đã hiểu thành tố, ngữ đoạn là gì.
Nói gì thì nói, cách tốt nhất vẫn là nên trang bị cho mình những kiến thức căn bản về cú pháp học và ngữ nghĩa học. Không nhiều và không khó lắm.
Dũng Vũ
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ
Gửi lúc 21:13, 12/03/03
CafeNovember
Đi tìm một chữ HOÀI
,Vietnam
Thành viên từ 09:08, 08/12/02
Đã được 2 người bình chọn (5.00)
Than phiền
( 1 người bầu )
Dịch là chết ở trong hồn một tí
Trong bài "Nhân Văn" ("Humane Literacy", trong "Ngôn ngữ và Câm lặng"), George Steiner viết:
"Đọc tới nơi tới chốn, là chấp nhận hiểm nguy. Điều gọi là căn cước, sự tự chủ của chúng ta có thể bị thương tổn. Trong những biểu hiện khởi đầu của chứng động kinh, có một giấc mơ thật đặc trưng; Dostoevsky nói về nó. Con người như bị nhấc bổng ra khỏi thân thể của mình; người đó nhìn ngoái lại và cảm thấy một nỗi sợ bất thần, khùng điên; một hiện hữu khác đang đi vô chính cái thân thể của mình đó, và chẳng còn đường nào để mà trở lại. Nỗi sợ khủng khiếp làm cho cái đầu cố bật dậy, tỉnh giấc. Cũng vậy, khi chúng ta cầm trong tay một tác phẩm lớn lao, văn chương hay triết học, tưởng tượng hay đề thuyết. Nó có thể hoàn toàn chiếm hữu chúng ta, khiến chúng ta [phải] bỏ đi lang thang, sợ hãi ngay chính mình, không còn nhận ra mình. Người nào đọc "Metamorphosis"("Hóa Thân") của Kafka, và nhìn vào gương không rùng mình, người đó có thể đọc bản in, theo nghĩa kỹ thuật của từ "đọc", nhưng thực sự là mù chữ, theo đúng nghĩa của việc đọc."
Đọc đã vậy, nhưng chưa nguy hiểm bằng dịch. Không chỉ chết ở trong hồn một tí, mà có khi còn mất tiêu luôn linh hồn. Theo nghĩa đó, ở một chỗ khác, George Steiner khẳng định, "Không thể có dịch thuật, ngoại trừ dưới điều kiện khủng hoảng tri thức luận." Một hiện hữu khác, một linh hồn khác đang dọn vô "căn nhà hữu thể" (ngôn ngữ), của mình.
Nhìn từ quan điểm đó, chúng ta có thể hiểu được tại sao người đọc thường mong ước có một bản dịch dễ đọc (không nguy hiểm). Họ có thể chịu đựng được sự xâm nhập của những từ, trước đây, như bóc ba ga, phanh, gác đờ bu, hay bây giờ, Vifon, Fahaxa... vậy mà vẫn "không chịu" những từ, thí dụ như Talawas.
Bởi vì, một cách nào đó, Talawas, là đụng tới khủng hoảng tri thức luận. Người đọc vẫn mong ước, sự ô nhiễm ngôn ngữ, nếu có, chỉ ở trên bình diện "thực dụng", do chuyện hàng ngày, do nhu cầu ăn ở sinh hoạt phải cần tới chúng.
Mô phỏng một câu của Hemingway, "Con người có thể bị hủy diệt, nhưng không thể bị khuất phục" (A man can be destroyed but not defeated): ngôn ngữ có thể bị hủy diệt nhưng không thể bị ô nhiễm. Và nếu nó bị ô nhiễm, thì cũng chỉ ở bên ngoài, chưa đụng tới phần cốt tủy của nó.
Một diễn đàn như Talawas, là đụng tới cốt tủy của ngôn ngữ Việt.
Nguyễn Quốc Trụ
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ
Gửi lúc 21:13, 12/03/03
CafeNovember
Đi tìm một chữ HOÀI
,Vietnam
Thành viên từ 09:08, 08/12/02
Đã được 2 người bình chọn (5.00)
Than phiền
Dịch là cướp.
Theo tôi, dịch là cướp. Nếu không cướp được thì ăn cắp, như trường hợp một ông trạng đi xứ nhét hột ngô Tầu vào bìu khi qua ải Nam Quan, đem về Việt Nam làm giống.
Vào cái thời chủ nghĩa thực dân đang cực thịnh, chuyện học tiếng Tây tiếng U chỉ là để "tồn tại", theo nghĩa của câu "bây giờ ông đổi lông ra sắt, cách kiếm ăn đời có nhọn không?" Nhìn rộng ra, cả một nền văn chương dịch thuật, hoặc "bảnh" hơn, viết văn bằng tiếng Tây tiếng U, trước đây, đều qui vào chuyện "cách kiếm ăn đời có nhọn không". Thời Tây thuộc còn khá, vì còn có những bậc tiền bối dám mầy mò tới cõi văn Tây. Thời Mỹ thuộc thì thật quá tệ. Nhưng đây là do quan thầy chứ không phải do đầy tớ: Người Mẽo chỉ muốn có những thằng đầy tớ biết nghe răm rắp lời của chủ: tao là thằng chi tiền! Tây thì còn muốn "làm bạn" với một tên cô lô nhần nào sáng sủa một chút.
Ngay cả những bậc tiền bối viết văn bằng tiếng Tây đúng mẹo văn phạm hơn cả Phú Lãng Sa, dưới mắt một độc giả mẫu quốc, những tác phẩm như "Cổ tích về những miền đất trong sáng" [tạm dịch cái tựa "Les légendes de terres sereines" (?), của nhà văn Phạm Duy Khiêm] cũng chỉ được coi như là một thứ hương xa cỏ lạ.
Hiện hữu có trước yếu tính. Tồn tại trước đã, kỳ dư là văn chương (tout le reste est littérature), như người Tây nói. Thành thử công đầu lại vẫn ở những bậc tiền bối như Trương Vĩnh Ký, hay những thầy thông, vào cái thời chữ Nho mới là chữ của nước. Vả chăng, quyền uy của chủ nghĩa thực dân lúc đó ghê gớm quá, dễ gì mà làm một thằng ăn cướp!
Phải đợi đến những nhà văn di dân thời kỳ hậu thuộc địa, người ta mới hiểu được, chuyện viết văn bằng tiếng nước ngoài, không phải là mất gốc, mà là ngược lại: nói rõ hơn, muốn không mất gốc, là phải viết văn bằng tiếng nước ngoài! Theo nghĩa đó, Kazuo Ishiguro, nhà văn gốc Nhật viết văn bằng tiếng Anh, tác giả Tàn Ngày (The remains of the day), được coi là "một người Anh hơn cả người Anh", un Anglais plus british que les autres, theo Sean James Rose, tác giả một bài viết trên tờ báo Pháp, Đọc (Lire), số tháng Chín 2001.
Salman Rushdie, một trong những đứa con của giờ Tý thì cho rằng, muốn giải phóng ra khỏi giấc mơ (muội) vong thân trong ngôn ngữ là phải viết văn bằng tiếng Anh. Trong bài viết "Quê hương tưởng tượng", ông viết: Chinh phục tiếng Anh có lẽ là hoàn tất tiến trình giải phóng của chúng ta.
Vả chăng, vẫn theo ông, những nhà văn Anh gốc Ấn khó mà từ bỏ tiếng Anh. Con cái của họ lại càng khó hơn nữa, vì đây là ngôn ngữ thứ nhất của chúng. Phải chấp nhận, đối với tất cả và chống với tất cả. Theo từ nguyên học, "dịch", traduire, là từ tiếng La tinh "traducere", "mener au de-là", dẫn (đi) đằng đó. Bị đá văng ra khỏi nơi chôn rau cắt rốn, chúng ta đều là những con người "bị dịch" (nous sommes des hommes "traduits"). Cho dù ‘dịch là chết ở trong hồn một tí’, ông vẫn khăng khăng với ý nghĩ, rằng có một chút chiến lợi phẩm, mỗi khi đi ăn hàng!
Chuyện cũng chẳng mới mẻ gì. Cổ đại La tinh đã coi dịch là cướp, giống như mấy trò chém giết (đàn ông), hãm hiếp (đàn bà), cướp bóc vàng bạc của cải, đất đai.
Nói ngắn gọn, đây chính là sự thành lập đế quốc.
Thành thử hủy diệt ngôn ngữ một đất nước đã bị xâm lăng, là nhiệm vụ hàng đầu của kẻ thắng trận, là vậy.
Talawas: ta là gì? Ta là thằng dịch thuật. Và dịch thuật với người Việt ở trong lẫn ở ngoài, là vấn đề sinh tử; nếu cần, hãy vờ đi chuyện sáng tác trong một thời gian; đổ công, đổ của, đổ sức vào việc dịch.
Nghĩa là cướp. Không cướp ngày thì cướp đêm. Thành thử những "nhà dịch thuật" chính là những tên biệt kích văn hóa, vậy.
Nguyễn Quốc Trụ
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ
Gửi lúc 15:33, 14/03/03
CafeNovember
Đi tìm một chữ HOÀI
,Vietnam
Thành viên từ 09:08, 08/12/02
Đã được 2 người bình chọn (5.00)
Than phiền
Dịch là chấp nhận phần số của mình.
Trăm Năm Cô Đơn, tiểu thuyết của Gabriel García Márquez, bản dịch của Nguyễn Trung Đức, Phạm Đình Lợi, Nguyễn Quốc Dũng; Nguyễn Trung Đức viết lời giới thiệu, nhà xuất bản Văn Học, Hà Nội (ấn bản 2000), trang 67 (chương thứ nhì, ngay sau chương mở đầu):
"Khi tên cướp biển Phranxít Đrăc tấn công Riôcha ở thế kỷ XVI, bà tổ của Ucsula Igoaran quá kinh ngạc trước tiếng chuông nhà thờ inh ỏi đổ hồi và tiếng đại bác chát chúa nổ rền, đến mức quẫn trí ngồi vào một bếp than hồng. Những vết sẹo cháy đã làm bà cụ trở thành một người vợ ăn bám suốt đời. Cụ chỉ có thể nằm nghiêng một phía, dựa lưng trên những chiếc gối đệm, và đi đứng kỳ dị, bỏi thế chẳng bao giờ cụ đi ra ngoài trước con mắt mọi người. Cụ từ bỏ mọi sinh hoạt xã hội, vì bị ám ảnh bởi cái ý nghĩ người mình phả ra mùi khét khó chịu. Ánh bình minh bắt gặp cụ ở ngoài sân. Cụ không dám ngủ bởi nằm mộng thấy bọn người Anh cùng với những con chó dữ tợn đã trèo qua cửa sổ phòng ngủ và làm cụ chết khiếp vì những cực hình ghê rợn bằng những thanh sắt nung đỏ."
Đoạn văn dịch trên đây thật dễ đọc, và chẳng có gì là khó hiểu, hay lủng củng, nhưng với một độc giả "đọc đến nơi đến chốn", không có trong tay, hoặc không thể đọc nguyên bản, chỉ căn cứ vào bản tiếng Việt, sẽ có ít ra là hai "thắc mắc" sau đây:
"Quá kinh ngạc trước... đến mức quẫn trí...": kinh ngạc làm sao có thể đưa đến quẫn trí?
"Những vết sẹo cháy... ăn bám suốt đời": "sẹo cháy" làm sao "làm cho bà cụ trở thành ăn bám suốt đời"?
Theo ghi chú của nhà xuất bản, bản tiếng Việt được dịch từ nguyên tác Tây Ban Nha. Người viết bài này không biết tiếng Tây Ban Nha, nhưng đã thử so sánh đoạn trên với đoạn được dịch ra tiếng Anh (dịch giả Gregory Rabassa, NXB Avon Books, Nữu Ước):
Tiếng chuông nhà thờ đổ hồi, bản tiếng Anh: tiếng chuông báo động đổ hồi (the ringing of the alarm bells). Quá kinh ngạc, bản tiếng Anh dịch là became so frightened: quá khiếp sợ.
Bà vợ ăn bám suốt đời, bản tiếng Anh: bà vợ vô dụng suốt những ngày còn lại của bà (a useless wife for the rest of her days).
Như vậy, bà vợ vô dụng suốt những ngày còn lại của mình có nghĩa là bà vợ không còn đáp ứng được việc chăn gối, chứ không phải, vì bị sẹo bỏng nên không làm việc được nữa, và phải ăn bám chồng con.
Bản tiếng Anh còn cho thấy một số khác biệt (vết sẹo cháy/vết bỏng; đi đứng kỳ dị/ dáng đi của bà chắc phải kỳ cục, cho nên bà không còn đi ra ngoài đường ngoài phố nữa; cực hình ghê rợn/tra tấn nhục nhã (shameful torture)... những chi tiết đều quyện vào nhau, mỗi chi tiết cho thấy/hoặc giấu giếm một ý nghĩa nào đó của câu chuyện, và chỉ "sáng tỏ, khi "sự thực" xuất hiện: "Chỉ vì sợ nằm mơ thấy mấy tên cướp người Anh và những con chó dữ tợn... tra tấn nhục nhã bằng những thanh sắt nung đỏ."
Bạn có thể coi cả đoạn trên chỉ là một câu văn, bởi vì nên nhớ một điều, Garcia Marquez là một nhà văn thuộc "trường phái" William Faulkner!
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ
Gửi lúc 16:02, 14/03/03
CafeNovember
Đi tìm một chữ HOÀI
,Vietnam
Thành viên từ 09:08, 08/12/02
Đã được 2 người bình chọn (5.00)
Than phiền
Dịch là chấp nhận phần số của chúng ta (2)
[Trong phần trước, người viết dùng chữ "của mình", là muốn nhấn mạnh tới cái số phận nghiệt ngã của những kẻ chỉ mong được say xỉn, để văng tục bằng tiếng mẹ đẻ, còn lúc bình thường thì lại quen miệng xài f. f., hay "òa òa", "e, e" (yeah, yeah)...]
Bây giờ nói đến số phận của chính "cái gọi là" tiếng mẹ đẻ, khi bị (chuyển) dịch.
Bản dịch sẽ bớt sai sót, nếu:
Người dịch cảm thấy thoải mái khi sử dụng tiếng... Việt.
Trong một viết nhan đề Tiếng Việt S.O.S, trên tờ Thể Thao & Văn Hóa, (số 15, ngày 20.2.2001), mục Diễn Đàn Văn Hóa, Dương Tường, nhân "vừa đọc bài phỏng vấn Giáo sư Cao Xuân Hạo về tình trạng báo động hiện nay trong tiếng nói và viết tiếng Việt" [tôi đề nghị sửa lại là: "... trong nói và viết tiếng Việt...">, đăng trên báo TT&VH số ra ngày 2.2.2001, đã hoàn toàn đồng ý với bạn của ông. Theo tôi, có vẻ như ông không được thoải mái cho lắm, khi đưa ra ý kiến cụ thể sau đây:
"Có một điều nghịch lí là từ sau thống nhất đất nước, hàng loạt từ địa phương ở miền Nam tràn ra miền Bắc, dần dần lấn lướt thậm chí thay thế những từ đã chuẩn hóa từ nhiều đời. Lợn lành chữa thành lợn què, đang trương biển Công Ty Gạch Hoa lại sửa thành Công Ty Gạch Bông, đang thiếp mời lại sửa thành thiệp mời, đang kem cốc lại sửa thành kem li. Trên thực đơn của các hàng ăn, các chữ rang và rán biến mất, nhất loạt thay thế bằng chữ chiên: cơm chiên thay vì cơm rang, cá chiên, đậu chiên, khoai tây chiên thay vì cá rán, đậu rán, khoai tây rán... Trong ngôn ngữ mọi nước, tiếng dùng ở thủ đô bao giờ cũng được coi là chuẩn mực, quyết không thể đem tiếng địa phương thay thế. Hiện tượng này nếu diễn ra theo chiều ngược lại, nghĩa là đem những từ miền Bắc thay thế cách gọi của miền Nam, cũng là vô lối, không thể chấp nhận được."
Sự thắng thế của những từ miền Nam tại miền Bắc, như trên, theo tôi, là do vấn đề tiện dụng, theo cả nghĩa kinh tế của từ này: nếu trên thực đơn để là cá chiên, chẳng khách ăn nào sờ tới món này, là nó biến mất.
Trường hợp gọi là vô lối, đã xẩy ra rồi, chứng cớ là Sài Gòn bị đổi tên, chắc là ông Dương Tường không để ý tới, bởi vì ông vẫn quen miệng gọi là Sài Gòn.
Theo tôi, rán được dùng ở miền Bắc, tức là một nửa đất nước; chiên, cả một nửa còn lại. Khi Dương Tường coi từ rán là của cả nước, theo nghĩa được chuẩn hóa lâu đời, dù muốn dù không, người đọc có cảm tưởng, ông sẽ thoải mái khi ăn chả rán, thay vì chả chiên, tuy cùng là một món ăn.
"Đâu phải mưa ô buy vào thành phố"...
1954, vào Nam, thi sĩ Thanh Tâm Tuyền có lẽ là một trong những người đầu tiên có những dòng thơ văn về Hà Nội, bên cạnh những dòng nhạc của một "Mưa Sài Gòn, Mưa Hà Nội", hay "Hướng Về Hà Nội".
Câu thơ trên, tôi chỉ nhớ loáng thoáng, trong tập "Tôi không còn cô độc", đã một thời làm ngơ ngẩn cả đám bạn bè hồi cùng học trung học.
Ngớ ngẩn, đúng hơn.
Số là Phạm Năng Cẩn rất mê câu thơ đó. Anh cứ ngâm đi ngâm lại khiến Nguyễn Quốc Sủng đâm ra thắc mắc, hỏi, mưa ô buy là mưa gì? Tôi nhớ là, bạn Cẩn ngớ ra, và... cương đại: mưa ô buy là một thứ mưa bụi (buy biến thành bụi), hạt lấm tấm như nhũ kim cương trên những chiếc áo Mùa Thu, Hà Nội!
Sủng coi bộ không hài lòng với một lời giải thích rất thơ như vậy. Một bữa, trong lúc cả đám vây quanh nhà thơ, anh hỏi. Thi sĩ trả lời: ô buy là một từ tiếng Pháp, obus. Mưa ô buy là mưa đại bác, mưa trái phá!
Sau này tôi được biết, người miền nam gọi trái phá là trái ô buy. Họ gọi phạm nhe là người y tá, và hồi mới vào Sài Gòn, tôi đã từng khổ sở vì không hiểu nghĩa của nó, sau cùng truy ra, là do từ tiếng Pháp, infirmier.
Nước Pháp, "hóa thân" vào miền nam, qua từ obus; rồi miền nam "hóa thân" vào từ ô buy, và được một nhà thơ miền bắc âu yếm sử dụng cho... Hà Nội, ôi chao số phận của "trái đại bác" Tây, nhờ một miền đất, rồi nhờ một nhà thơ, biến thành cơn mưa bụi ở một miền đất khác, trong cùng một quê nhà, sao mà may mắn hơn cái từ chiên hẩm hiu thế!
Bởi vì không phải ngẫu nhiên mà nhà thơ sử dụng từ "mưa ô-buy": ông vẫn bị những cơn mưa từ cái thành phố mà ông từ bỏ ám ảnh, cũng như không phải ngẫu nhiên mà ông bạn ngày xưa của tôi tán ẩu, ông cũng bị ám ảnh....
Nhân chữ chuẩn hóa lâu đời tôi lại nhớ đến Lévi-Strauss; ông cho rằng từ ngữ vốn không phải là của chung, mà là của riêng, giống như ngày xưa, khi đi thi, mà dùng một chữ của vua dùng, là phạm húy, có khi mất luôn cái chỗ đội nón; nhưng, như một vòng tròn luẩn quẩn, khi những chữ được những nhà quyền quí dùng chán chê, vứt bỏ, lúc đó thứ dân lại mang ra xài, và ngược lại.
Chiên được người dân cả hai miền sử dụng, biết đâu đấy, chính nó đang mang thông điệp thống nhất, và người dân miền bắc có vẻ đã đến lúc quá chán cái gọi là chuẩn hóa lâu đời rồi cũng nên...
Nguyễn Quốc Trụ
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ
Gửi lúc 16:11, 14/03/03
CafeNovember
Đi tìm một chữ HOÀI
,Vietnam
Thành viên từ 09:08, 08/12/02
Đã được 2 người bình chọn (5.00)
Than phiền
Bùi Giáng
Một đường lối dịch Thơ
Dịch thơ là điều khảm kha nhất. Dịch thơ ắt phải cho ra thơ – nói như ông Crayssac trong bài Tựa bản dịch Kiều: “toute poésie traduit a le devoir de l’être enver [...] La langue des Dieux m’a paru seule idoine à chanter l’héroique et douloureux calvaire de la divine Thuy-Kieu.”
Cũng vì quan niệm tới mức triệt để tế nhị đó, nên bản dịch Kiều của Crayssac là bản dịch đạt nhất trong mọi bản dịch Kiều ra ngôn ngữ Tây Phương. Lời thơ Crayssac thỉnh thoảng có vài chỗ sống suợng, nhưng Crayssac đã đòi hỏi, đã tận dụng khả năng ngôn ngữ thi ca Pháp tới mức tối đa. Và nhiều phen bất ngờ, những tư tưởng, tư lường sâu xa, ẩn trong Nếp Gấp Lục Bát Nguyễn Du, bất thình lình đuợc Crayssac mở phơi ra một cách tinh tế.
Tiện đây, tôi xin dẫn một thí dụ để làm sáng tỏ phần nào đường lối dịch thơ. Dịch thơ Emily Dickinson:
My life closed twice before its close It yet remains to see If Immortality unveil A third event to me So huge, so hopeless to conceive As these that twice befell Parting is all we know of heaven And all we need of hell.
Một bài ngắn như thế của Emily Dickinson dịch còn khó hơn dịch cả một cuốn Lá Cỏ [Leaves of Grass] của Walt Whitman... Ấy bởi vì, nó thuộc loại thơ bất khả dịch diễn.
Những điệp ngữ và điệp âm và đảo ngữ mà Emily Dickinson sử dụng, là riêng Mỹ Ngữ một lần được thiên tài cho phát tiết anh hoa ra ngoài:
my life closed – its close to see – to me twice before – twice befell parting is all – and all all we know – all we need of heaven – of hell to see – to me – to conceive a third event – as these that twice so huge – so hopeless ...
Tôi thử chép ra như thế, những thanh-âm-vận song trùng nhị bội liên tồn giao hưởng nhau trong bài thơ, xoay vít quanh nhau trong tám câu huyền diệu đó. Thế cũng đủ nhận ra tính chất phong phú đìu hiu dị thường trong lời thơ tài tử. Thế mà, vẫn còn những giao hưởng giao thoa ngấm ngầm âm ỉ trong tiết nhịp rung rinh, không làm sao ghi ra song đôi cho được. Bởi vì những giao hưởng ngầm nọ vừa như giao nhau vừa như xô đẩy nhau, ly khứ nhau... Bây giờ thử đọc lại toàn bài:
My life closed twice before its close It yet remains to see If Immortality unveil A third event to me So huge, so hopeless to conceive As these that twice befell Parting is all we know of heaven And all we need of hell.
Nếu dịch ra văn xuôi ắt sẽ thành cái gì? Chẳng lẽ vất vơ thành ra cái như sau:
Cuộc đời tôi khép lại hai lần Trước buổi chung cục của nó Nó vẫn ở lại để xem Thử sự Bất Tử có mở ra Một sự cố thứ ba cho tôi không Bao xiết đồ sộ khổng lồ tuyệt vọng cho quan niệm Là ấy những gì đã hai lần xảy ra Ly biệt là tất cả những gì chúng tôi biết về Thiên Ðường Và tất cả những gì chúng ta cần (của) nơi Ðịa Ngục
Thật là không thể tưởng tượng được. Chẳng những nghe ra lớ ngớ, mà còn chẳng ai biết nói cái gì. Không một chút ý nghiã nào tồn tại, đừng nói chi là tinh thể tinh hoa. Thế mà thường thường tôi vẫn thấy người ta dịch theo lối đó một cách rất hồn nhiên, và còn cho rằng mình dịch rất sát.
Gẫm về cái vụ dịch thơ, nhiều phen phải toát mồ hôi hột. Giữ tiếng thì lạc lời. Giữ lời thì mất ý. Giữ ý thì mất nghiã. Giữ nghiã thì mất trụi thần hồn tinh thể.
Do đó, ta có thể dám chắc rằng giữa hai bản dịch Kiều ra Pháp Ngữ của ông Nguyễn Văn Vĩnh và René Crayssac, quả thực có cách biệt ngàn trùng. René Crayssac mặc dù không lột hết được tinh hoa ngôn ngữ Kiều, nhưng vẫn đạt hơn Nguyễn Văn Vĩnh có tới hơn một trăm lần là ít. Ông có tái tạo được một bầu khí hậu thơ-mộng đặc biệt trong bản dịch của ông.
Giờ thử dịch bài thơ Emily Dickinson ra lục bát:
Ðời tôi khép lại hai lần Trước lần khép mắt khôn hàn vĩnh ly Tuy nhiên còn nấn ná vì Ðể xem Vĩnh Cửu còn gì mở ra Cho mình biến cố thứ ba Những gì song điệp xảy ra Gẫm càng đồ sộ gợi ra lại càng Ngất trời tuyệt vọng mang mang Thiên đường địa ngục còn chan chứa gì Vĩnh ly là chất của trời Biệt ly là thói của đời nhà ma (kể từ cửa quỷ tuôn ra thói nhà băng tuyết chất là phỉ phong)
Bạn đọc ắt có nhận thấy rằng tôi đã chịu khó khiếp dẫn vài ngôn ngữ đặc biệt Nguyễn Du vào lối dịch thơ Emily Dickinson. Dịch theo lối đó là âm thầm bố thiết cuộc đối thoại ấm áp cho hai tài tử kia, mà đồng thời vẫn không lìa xa ngôn ngữ Emily Dickinson gì mấy chút.
Ðó là bước thứ nhất mà lời dịch đã gắng thực hiện cho cuộc hội đàm. Từ đó chúng ta có thể tiến tới giai đoạn thứ hai. Cái bước sơ khởi ngại ngùng đã đi tới chỗ hài hòa thân thiết thì từ đó, ta có thể “mở lời phương tiện” một cách táo bạo hơn. Lời dịch thứ hai có thể ra như thế này:
Song trùng khép kín đôi phen Sơ khai đậu khấu khép bằng thiên thu Tường vôi tô vách tử tù Trăm năm trong cõi sương phù du tuôn Niềm riêng nấn ná hý trường Xem Con Tạo mở môi trường đệ tam Bình sinh ngất tạnh hội đàm Xiết bao tuyệt vọng gẫm càng buốt tim Sự tình nhị bội đánh ghen Trút quần giũ áo thưa rằng thế thôi Vĩnh ly là chất của trời Biệt ly là thói của đời nhà ma
Cước chú: My life closed twice before its close... Ðời ta đã khép lại hai lần từ trước cuộc khép kín trăm năm... Nghiã là?
Nghĩa là: trước khi xảy ra cuộc tử diệt thì ta đã hai lần chết thật sự rồi. Nhưng chết mà vẫn chịu chơi, nên còn sống lai rai để xem còn có một đệ tam tử diệt nào thơ mộng hơn chăng. Cái lối nói chịu chơi gay cấn đó đưa tới lời kết thúc dị thường: all we know of heaven ... all we need of hell. Tất cả những gì ga biết về thiên đường... Tất cả những gì ta cần nơi địa ngục... là?
Từ đó dịch lần thứ ba ra thế này:
Cần nơi địa ngục những gì Biết nơi thiên thượng những gì biển dâu Chất hằng ly biệt thiên thâu Biệt ly là thói dâng trào sử xanh Niềm riêng tại thể đã đành Nồi riêng hiện thể còn thành khẩn xin Chờ xem Vĩnh Cửu lặng im Song trùng tam bội còn tin chi về Kỳ oan phong vận đề huề Trước đèn lần giở lời quê dông dài Mai sau khép mắt ngủ dài Còn nghe mộng cũ di hài liễu dương Ðánh tranh chụm nóc thảo đường Một gian nước biếc mây vàng chia đôi
Bất thình lình cái câu thơ lục bát Nguyễn Du nọ lại kỳ dị hiện ra tại đây. Mọi sự bỗng dời bình diện. Cái câu thơ “một gian nước biếc mây vàng chia đôi” vốn là một câu thơ thuộc loại hàm hỗn man mác nhất trong Truyện Kiều. Nước biếc một gian? Sao gọi là một gian? Mây vàng chia đôi? Chia đôi cái gì? Chia đôi hai cõi nào? Hai miền hai ngả nào? Nhưng tại sao trong thể thái chia đôi nọ, lại có hàm ngụ quy hợp? Do một thứ tinh hoa âm thầm nào phát tiết từ trong tiết điệu lục bát cùng với những vang bóng lãng đãng tỏa ra từ một nóc thảo đường? Một mái hiên? Một thanh hiên tồn lập bao dong ra như thế và sẽ chứng giám một “vô lượng phương tiện lực” nào, sẽ “vớt người trầm luân” và thành tựu cái nghiã của “nam hải điếu đồ”?
Ðiếu đồ? Ông câu câu cá? Câu cá giữa một vùng tịch mịch chân không? Câu cá trong tính thể giác duyên như lai bồ tát? – Ta làm Nam Hải Điếu Đồ? Ngồi câu con Cá Hư Vô linh hồn? Sự đó liên can gì tới câu: Như lai giả vô sở tòng lai diệc vô sở khứ? Và cái lời đó trong Kinh Kim Cang lại thiêm thiếp đi trong sa mù mà tiếp giáp với câu thơ “Parting is all we know of heaven/And all we need of hell” như thế nào?
Thế thì cái sự vụ dịch thơ đã nằm trong một cõi suy tư nào như thế? Nó đã biến ra một thứ dịch di, dy viễn, diên vỹ, vy diễn, như thế nào, để... ? Ðể bất thình lình xô ùa chúng ta trở lại với cái lời Khổng Tử: “Ngô đạo nhứt dĩ quán chi”.
[...]
Cái bí quyết của thiên tài sáng tạo, cũng như thi tài dịch thuật, là: tạo nên một vùng sương bóng cho ngôn ngữ. Sương bóng đó có thể bắt gặp bóng sương Hy Lạp, hay Ðường Thi, hay Tây Trúc – không hề gì. Không hề gì. Miễn là nó mở ra một chân trời cho chiêm niệm chịu chơi.
Ðánh tranh chụm nóc thảo đường, một gian nước biếc mây vàng chia đôi. Cài then cửa đóng đến nơi, sư đà hái thuốc phương trời nào xa .. Parting is all we know of heaven – and all we need of hell.
Ai đã độ ra được cái tầm đầy vơi trong tư lự tồn lưu nọ, ắt chẳng còn thiết chi tới chuyện bàn luận viết sách làm thơ gì nữa cả.
(trích tập san Quê Mẹ, Giai Phẩm Xuân Canh Thìn số 153 & 154, tháng 1 & 2, 2000)
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ
Gửi lúc 16:45, 17/03/03
CafeNovember
Đi tìm một chữ HOÀI
,Vietnam
Thành viên từ 09:08, 08/12/02
Đã được 2 người bình chọn (5.00)
Than phiền
Thơ dịch - Dịch thơ
Võ Phiến
— Bạn nghĩ thế nào về thơ dịch?
— Tôi nghĩ: Thơ dịch không phải là thơ, dịch thơ không phải là dịch.
— Thế à?
— Thế.
— Nghĩ thế không nghĩ còn hơn. Nhảm quá.
— Thế à?
— Thế. Thơ dịch đang đóng vai trò quan trọng trong sinh hoạt văn học quốc tế. Bạn xem: Ngày nay trên các tạp chí văn học nước nào mà thỉnh thoảng không giới thiệu sáng tác nước ngoài qua thơ văn phiên dịch?
— Từ từ. Hãy nói chuyện giá trị trước, chuyện vai trò sau. Về giá trị: Thơ dịch không phải là thơ.
— Thế nó là cái gì?
— Là ý thơ. Ý thơ đâu phải là tất cả bài thơ? Cũng không phải là phần quan trọng của bài thơ. Không quan trọng chút xíu nào.
— Từ từ. Xem nào: Bạn bảo thơ dịch là ý thơ?
— Vâng. Thì chỉ là cái ý, cái nghĩa của bài thơ gốc thôi. Bạn còn đòi dịch được cái gì nữa?
— Thế ngoài cái ý ra, bài thơ còn có những gì?
— Ngoài cái ý ra, còn lại bài thơ. Nói cách khác, khi bạn vất cái nghĩa bài thơ đi rồi thì cái còn lại là phần cốt tủy của bài thơ.
— Gớm. Sao mà phét lác thế. Còn lại những gì? Nói cho cụ thể xem.
— Điệu thơ này, thể thơ này, giọng thơ này, lời thơ này, không khí bài thơ này... Bao nhiêu là cái, cái nào cũng quan trọng hơn ý thơ.
— Bạn có thể nói mà không huênh hoang được không? Nói cho rõ ràng, cho cụ thể xem nó quan trọng như thế nào?
— Thì nói. Bạn nhớ bài ‘Tống biệt hành’ của Thâm Tâm chứ? Hãy thí dụ bây giờ ta “dịch” bài ấy ra... lục bát. Vẫn là một bài thơ bằng tiếng Việt, nhưng theo thể lục bát. Thế thôi. Như vậy ta tránh cho nó sự chuyển biến từ ngôn ngữ này sang ngôn ngữ khác. Ta hạn chế bớt sự thay đổi, mất mát. Chỉ có đổi từ thể thơ này sang thể thơ kia mà thôi. Cái đổi ấy cũng không lớn lao gì: Từ một thể thơ Tàu đã Việt hóa sang một thể thơ Việt thuần túy. Gần như từ Việt sang Việt. Đâu thấm thía gì nếu đem so sánh với trường hợp dịch một bài sonnet ra một bài thất ngôn bát cú, hay dịch những câu thơ alexandrin ra những câu song thất lục bát. Phải không?
Đó, tôi chọn trường hợp thuận lợi nhất cho bạn, tôi tỏ thiện chí tối đa đối với bạn. Tôi đố bạn dịch thế nào cho thành một bài ‘Tống biệt’ lục bát có khả năng truyền đúng những xúc cảm chứa đựng trong bài hành của Thâm Tâm.
Tôi không có ý chê bạn là người kém lỗi lạc. Tôi bênh vực bạn: Tôi cam đoan không một ai trên đời này có thể dùng thể lục bát để truyền lại đúng cái xúc cảm của một bài hành cả. Mỗi thể thơ có cái phong thái của nó. Cũng như mỗi ngôn ngữ, mỗi giọng thơ có cái phong thái riêng của nó... Dịch thế quái nào được?
Mỗi bài thơ làm ra nhằm gây một tác động xúc cảm nhất định đối với độc giả. Khi bài gốc gây xúc động này bài dịch gây xúc động khác thì thay thế nhau thế nào được? bài này đòi quyền đại diện cho bài kia thế nào được?
— Nào xem:
“Đưa người, ta không đưa qua sông,
Sao có tiếng sóng ở trong lòng?
Bóng chiều không thắm, không vàng vọt,
Sao đầy hoàng hôn trong mắt trong?
Đưa người, ta chỉ đưa người ấy
Một giã gia đình, một dửng dưng...”
Lục bát quả không có được cái rắn rỏi ấy.
— Còn nữa, bạn ơi!
“Ly khách! Ly khách! con đường nhỏ,
Chí lớn chưa về bàn tay không”
Lục bát có chuyển được giọng ấy không?
“Ta biết ngươi buồn chiều hôm trước:
Bây giờ mùa hạ sen nở nốt,
...........................................
Ta biết ngươi buồn sáng hôm nay:
Trời chưa mùa thu, tươi lắm thay,
......................................................
Người đi? Ừ nhỉ, người đi thực!
Mẹ thà coi như chiếc lá bay,
Chị thà coi như là hạt bụi,
Em thà coi như hơi rượu say.”
Đó, bạn dịch xem! “Người đi! ừ nhỉ, người đi thực!” Bạn dịch đi. Tôi rộng lượng, tôi khoan hồng: Tôi không đòi bạn dịch ra tiếng Mỹ, tiếng Nga, tiếng Mông Cổ, tiếng Lèo... gì ráo. Chỉ nhờ bạn dịch hộ ra thơ lục bát thôi: Hay là bạn muốn dịch ra bài vè tứ tự? Cũng được luôn. Nhưng tôi cấm bạn biểu diễn một màn lố bịch xung quanh bài thơ danh tiếng một thời.
— Quả thực có một cái gì dính liền với thể thơ cổ phong Tàu, không truyền sang thơ ta được.
— Thế bạn không nghĩ có một cốt cách riêng dính liền với thể thơ haiku của Nhật sao? không có một cái gì dính liền với thể song thất lục bát của ta sao? với mỗi thể thơ của Nga, của Pháp, của Thổ-nhĩ-kỳ, của Ai-cập v.v... sao? Chắc chắn phải trải qua nhiều đắn đo trăn trở, phải có lý do đích đáng, rốt cuộc bài tanka năm câu nó mới quyết định rụng đi hai câu để thành bài haiku ba câu mười bảy âm chứ? Sự hi sinh hai câu với mười bốn âm, hi sinh ngót nửa bài thơ, một hi sinh lớn lao như thế tất nhằm một cái gì chứ? Tác dụng gì? Hiệu lực gì? Bạn đếch cần! Gặp năm câu bạn phụt ra năm câu, gặp ba câu bạn phết cho ba câu, hoặc lục bát, hoặc ngũ ngôn, hoặc thất ngôn, tiện đâu bạn xài đó. Bạn dịch thế có chết thơ người ta không?
— Ơ hay! Bạn gây gổ đấy à? Tôi không hề dịch haikai haiku, không hề dịch tanka tankiếc gì cả. Cũng không hề dịch cổ phong ra lục bát theo đề nghị lố bịch của bạn.
— À, vâng. Thế thì tốt. Dù sao xin bạn nhớ kỹ cho: Thể điệu của bài thơ là cái gì rất quan trọng, và chúng ta không hi vọng tìm được những thể điệu thực sự tương ứng trong các ngôn ngữ khác nhau.
Bây giờ, chúng ta hãy bước sang một cái gì dịu dàng, thoải mái hơn.
— Cái gì dịu dàng? Bạn trở nên dịu dàng à? Có tin được không?
— Không cần. Hãy thưởng thức mấy lời tình tứ du dương:
“Nhà em có một giàn trầu,
Nhà anh có một hàng cau liên phòng.
Thôn Đoài thì nhớ thôn Đông
Cau thôn Đoài nhớ trầu không thôn nào?”
Bạn thấy sao?
— Từ ngày ra khỏi nước tới nay, giữa chúng ta với cái mộc mạc quê mùa của Nguyễn Bính như có sự cách biệt cả một kiếp người. Ở đây không phải chỉ có cái mộc mạc. Chàng trai này mộc mạc mà lại ỡm ờ. Thế mới tình.
— Bạn nghe thêm một chút giọng nữ nhé:
“Em nghe họ nói mong manh
Hình như họ biết chúng mình... với nhau
Ai làm cả gió, đắt cau,
Mấy hôm sương muối cho trầu đổ non?”
Bạn thích không? Bạn dịch ra bài thơ tiếng Mỹ nhé.
— Tôi ngờ bạn bị quỉ ám. Bạn có những sáng kiến hành hạ người đời cách vô cớ. Những thôn Đoài và thôn Đông, những cau nhớ trầu, những sương muối và trầu, những gió và cau v.v..., nó liên hệ với tình yêu ở xứ này một cách lố bịch, những cái đó có thể làm khối người Mỹ chết sặc vì cười. Hoặc dãy palm ngoài phố, hoặc hàng cau liên phòng, thì nó tình tứ, nó lãng mạn chỗ nào? Bạn nhiễm nặng tính hiểm ác vào người, e bất trị.
— Thông cảm thì Đông với Đoài cau với trầu là tình tứ, mà không thông cảm thì tai nghe lòng cứ dửng dưng, không chút rung động. Muốn có những xúc động giống nhau không phải chỉ cần nghe hai câu thơ có nghĩa giống nhau; mà phải cùng chung sống một phong tục, cùng thấm sâu một không khí sinh hoạt chung.
Nhưng tôi sẵn sàng bỏ qua cho bạn những cái lẻ tẻ ấy. Lần này tôi chỉ đòi bạn có một điều: là cái giọng. Chúng ta vừa thấy: cái giọng của anh chàng thôn Đoài nghe mộc mạc mà lại ỡm ờ. Còn cô gái “chúng mình với nhau” thì cả thẹn, thì chất phác, mà lại đong đưa. Và cả hai, họ ỡm ờ họ đong đưa theo lối riêng, theo cái lối cách xa chúng ta hàng thế kỷ, cách chúng ta một môi trường sinh sống lạ hoắc. Sau khi đã miễn trừ, đã bỏ qua một số lỉnh kỉnh, liệu tôi có thể nhờ bạn dịch hộ mấy câu ấy ra thơ Mỹ được không?
— Ơ hay!
— Không, không! Tôi không có ác ý. Tôi không hề muốn chứng minh rằng cái Anh văn của người bạn công dân Mỹ mười lăm năm là chưa vững.
— Thế thiện ý của bạn là muốn chứng minh cái gì?
— Tôi ao ước được bạn nghiệm thấy rằng tìm cho được một cái giọng thích hợp là thiên nan vạn nan. Giờ đây trên nước Mỹ mênh mông, ở đâu có kẻ nói năng bằng cái giọng như thế? Dù là ở chỗ đồng quê hẻo lánh nhất, liệu có còn ai chất phác mộc mạc kiểu ấy chăng?
Cách đây gần nửa thế kỷ, ông Hoài Thanh viết thế này: “Cái đẹp kín đáo của thơ Nguyễn Bính (...) khó lọt vào con mắt các nhà thông thái thời nay. Tình cờ có đọc thơ Nguyễn Bính họ sẽ bảo: ‘Thơ như thế này thì có gì?’ Họ có ngờ đâu đã bỏ rơi một điều mà người ta không thể hiểu được bằng lý trí, một điều quí giá vô ngần: hồn xưa của đất nước.”
+++
Bạn mà không tìm ra được một giọng Mỹ thích hợp, thực sự tương ứng với giọng Nguyễn Bính, nhất định độc giả Hoa Kỳ sẽ kêu: “Thơ như thế này thì có gì?” Bạn đắc tội với thơ Nguyễn Bính, bạn đắc tội với hồn xưa đất nước. Tội của bạn không biết để đâu cho hết. Nhưng cái giọng đặc biệt ấy đã khó tìm thấy ở thị thành Việt Nam thời tiền chiến, còn làm sao tìm được ở Mỹ ngày nay nữa, hở Trời! Bạn có là người Mỹ da trắng ở xứ này hai ba trăm năm, bạn cũng đến ngẩn tò te thôi: Dịch thế nào được?
— Gớm. Nói năng cứ ba hoa chích chòe.
— Ấy, đó là giọng của tôi. Cũng khó dịch đấy.
Giọng thơ, lời thơ, nó là một phần phong cách của người thơ. Mỗi người một giọng, một phong cách. Mỗi thời một giọng, một phong cách. Mỗi xã hội, mỗi nền văn hóa, một phong cách v.v... Lấy cái phong cách của người này, thời này, dân tộc này, “dịch” cái phong cách của người khác, của thời khác, của dân tộc khác?...
— Tôi hiểu. Cũng như mỗi thể thơ có một phong cách, không thay thế nhau được, không “dịch” nhau được.
— Bạn là người có thiên tư. Nghe đâu hiểu đó. Tốt. Tuy vậy tôi muốn trở lại chỗ giọng thơ một chút, cho nó... cụ thể. Tôi muốn bạn nghĩ giùm tôi đến cái liếc mắt mỗi khi bạn tiếp xúc với một giọng thơ.
— Bạn là thứ gì mà muốn điều kỳ cục vậy?
— Hai món không khác nhau. Cất lên mấy câu ân tình cũng như liếc nhau, cùng một ý nghĩa: là tán tỉnh cả. Hoặc tán tỉnh bằng lời, hoặc tán tỉnh bằng mắt. Mỗi người một cách tán tỉnh, mỗi người một cách liếc. Có cách tán tỉnh mộc mạc, chất phát, có câu tán tỉnh láu lỉnh, trai lơ. Có cái liếc rụt rè e ấp, có cái liếc lẳng lơ, có cái liếc sắc như dao, có cái liếc kín đáo ngại ngùng v.v... Thử tưởng tượng: Một đám trai tài gái sắc, anh hùng hào kiệt, sắc nước hương trời, cùng ngồi bên nhau, “tình trong như đã”. Chợt hô “Liếc!” một cái, thôi thì mạnh ai nấy liếc, người nào liếc cách nấy.
“Con dao vàng rọc lá trầu vàng,
Mắt anh anh liếc, mắt nàng nàng đưa.”
Ðố ai lấy cái liếc của người này “dịch” cái liếc của người kia được. Mặc dù ý nghĩa không có gì khác nhau...
— Biết rồi, khổ lắm...
— Bạn quả là người có thiên tư. Do đó bạn được mời tham dự một thí nghiệm khác: Dịch thơ Lá hoa cồn của ông Bùi Bàng Giúi ra bất cứ thứ ngôn ngữ Á, Âu, Phi, Mỹ nào. Bạn dự nhé.
— Đồ quỉ. Đang nói chuyện thơ văn chuyện nghiêm chỉnh, bạn nghịch như quỉ.
— Nghịch là một phong cách. Lá hoa cồn là một khía cạnh trong phong cách của ông Bùi Bàng Giúi. Bạn mà bỏ qua nét ấy là bạn không truyền thần được nét nghịch ngợm của Bùi Giáng nhé.
— Những trò lái liếc chẳng qua là một đặc điểm bất thường của Việt ngữ. Chọn cái éo le như thế để bắt bí nhau: Không... quân tử gì cả.
— Tôi biết thế nào bạn cũng chê. Tuy nhiên ở đây tôi chỉ muốn bạn chú ý đến cái đặc tính của mỗi ngôn ngữ. Có chỗ éo le, có chỗ không éo le.
“Cửa son đỏ hoét, tùm bum nóc” (Hồ Xuân Hương). Cái đỏ như thế, mới đọc lên nghe nó đã sỗ sàng; cái nóc như thế, tự dưng nghe không được... trọng vọng. Màu đỏ thì cứ tha hồ đỏ, việc gì mà sỗ sàng? Người ngoài viện cho được cớ để bắt tội nó: khó đa. Nhưng lỗ tai Việt Nam nghe qua cái “oét”, biết ngay! không chối cãi được.
Này nữa:
“Quê nhà xa lắc xa lơ đó
Ngoảnh lại tha hồ mây trắng bay”
(Nguyễn Bính)
Dịch ra tiếng Pháp, tiếng Hoa, tiếng Maroc v.v..., bạn có dịch chữ “đó” không? Bạn dịch ra sao, xin cho nghe... Bạn lại mắng tôi kém... quân tử! Bạn chỉ dịch cho xong ý nghĩa câu thơ, rồi bạn bỏ qua cái tiếng thừa thãi hả? Bạn khôn ơi là khôn!
— Kìa, bạn đay nghiến tôi đấy à? Thì tiếng nước nào chẳng có tiếng hư tiếng thực, nghĩa nổi nghĩa ngầm v.v...
— Đấy. Chúng ta nhất trí với nhau gần hoàn toàn. Cái rắc rối là những hư, thực, nổi, ngầm ấy nó không trùng hợp nhau. Tiếng nói của bạn hư chỗ này, tiếng nói của người hư chỗ khác. Dịch không nổi.
Thơ là nghệ thuật vận dụng ngôn ngữ. Thi sĩ khai thác đến tận cùng cái tinh vi của ngôn ngữ, tất nhiên chỉ là ngôn ngữ dân tộc ông ta thôi. Cho nên trong thơ hay của người nước nào mà lại không có ít nhiều chất Bùi Giáng? (Ý tôi muốn nói: ít nhiều liên hệ với các đặc điểm ngôn ngữ bản xứ.) Giữa lời thơ với ngôn ngữ được sử dụng có đầy âm mưu thầm kín. Đôi bên chúng nó toan tính, đồng lõa với nhau, nháy nhó nhau, chúng phối hợp nhau gây nên những nét đẹp đẽ, ngộ nghĩnh, những xúc động lâm ly v.v... mà kẻ “ngoại thủy” không ai tham dự được. Đứng bên ngoài, kẻ dịch thơ nghệch người ra.
— Bạn cực đoan vừa thôi. Cứ nghe bạn nói riết một hồi, tưởng chừng thơ không cần ý. Không có ý thơ, tứ thơ, làm sao có thơ? Cái nảy ra trước tiên trong đầu thi nhân, cái gây ra cảm hứng của thi nhân, cái đó là một tứ thơ chứ đâu phải là chữ nọ lời kia, giọng này giọng khác? Cái gì nó chủ trì toàn bài thơ, làm nòng cốt cho bài thơ, cái đó là một ý tưởng, đâu phải là những “đặc diểm ngôn ngữ” lặt vặt như lá hoa cồn, như sư cụ đáo nơi neo?
— Bạn nói trúng phóc. Thơ cần có ý: đúng. Ý thơ là nòng cốt: đúng nữa. Cái ý đối với bài thơ cũng như bộ xương đối với con người. Người cần có bộ xương, bộ xương là nòng cốt con người. Khởi đầu, thi nhân nảy ra một cái ý. Khởi đầu, Thượng Đế lấy một cái xương, để gầy ra con nguời.
Gầy xong cái nòng cốt, nhìn lại bộ xương, Thượng Đế rụng rời khiếp hãi vì sự xấu xí của tác phẩm mình. Người lấy làm xấu hổ, Người vội vã lấy đất sét đắp lên, bao bọc kín cả xương.
Thơ cũng như người: đẹp vì thịt, không đẹp vì xương. Khi chỉ còn là hai bộ xương xếp nằm cạnh nhau, Tây Thi và Chung Vô Diệm trông như nhau. Thơ cũng như người: sống nhờ thịt, không sống nhờ xương. Khi thịt rữa nát rồi, chỉ còn lại bộ xương, chỉ còn lại cái nòng cốt, thì không còn sự sống nữa.
Thơ cũng như người: mọi biểu hiện phong cách đều ở thịt, không ở xương. Làn thu thủy nét xuân sơn, bộ dạng ranh mãnh, vẻ phúc hậu, nỗi buồn phiền, ưu tư, hân hoan, tha thiết v.v... đều là thịt cả. Xương, không có bộ xương buồn. Không có bộ xương nhí nhảnh. Bộ xương không có cá tính, bản sắc, không có phong cách. Cái nòng cốt không có phong cách.
Nếu bạn chọn cái đẹp, chọn sự sống, chọn tìm hiểu một phong cách..., bạn chọn thịt. Chọn lời thơ, giọng thơ, chọn câu, chọn chữ v.v... Trong những cái đó có hơi thở của con người.
Hoặc giả bạn nhất định chọn cái “nòng cốt” chăng?
— Còn bạn, cứ đà này không khéo dần dần bạn tiến đến những bài thơ không có ý!
— Rất có thể. Có thể lắm. Xưa nay vẫn có những bài thơ vô đề, không từng có bài thơ nào vô ngôn. Thơ là lời, là chữ, là nhịp điệu, vần vè. Thơ là thể xác. Mất thể xác đi là mất tất cả. “Thác rồi thể xác, còn là ...khỉ meo!” Không có cái tinh anh nào còn lại cả.
— Bạn hung hăng như con bọ nguậy.
— Tôi hung hăng như người đi đúng chính đạo, nắm đúng chính nghĩa.
Hãy nghe một người tiền chiến sành thơ nói về một bài thơ tiền chiến, tức Hoài Thanh nói về ‘Tống biệt hành’: “Điệu thơ gấp. Lời thơ gắt. Câu thơ rắn rỏi, gân guốc.”
Đó là một người biết cách nói. Ông ta chỉ nói đến điệu thơ, lời thơ, câu thơ. Ông ta không hề nói đến ý thơ.
Trở lại chuyện dịch. Ý “tống biệt”, bạn dịch được. Toàn bài có bao nhiêu ý lớn ý nhỏ, chịu khó mằn mò bạn có thể dịch được tuốt hết. Nhưng như vậy là bạn chưa hề động chạm gì đến cái hay, cái đặc biệt của bài thơ. Bởi vì bạn làm thế quái nào dịch được cái “gấp”, cái “gắt”, cái “rắn rỏi”, cái “gân guốc”? Tức những cái không nằm trong ý thơ mà trong xác thơ. Như vậy bạn dịch làm chi? Bản dịch của bạn có thể dùng vào việc gì khi nó không có công dụng truyền đạt cái hay, cái đặc điểm của bản gốc? Bạn dịch làm chi, bạn nói tôi nghe? Dịch như thế... Tôi nghĩ đến cái ngày mà Truyện Kiều được dịch sang đủ 160 thứ tiếng của các nước trong Liên Hiệp Quốc, cái ngày xương cốt Kiều tung tóe đó đây, bấy giờ thiên hạ sẽ khóc Tố Như râm ran khắp nơi. Lo gì thiếu kẻ xót thương?
— Điệu này e phải cấm dịch thơ.
— Xin can. Vì vai trò quan trọng của nó trong sinh hoạt văn học quốc tế mà bạn đã nêu lên từ đầu. Vì “có còn hơn không”.
— Tự dưng bạn mở lượng hải hà!
— Không mở không yên. Nhu cầu cảm thông của nhân loại quá khẩn trương, quá lớn lao. Ngày nay bốn bể một nhà. Người tứ xứ muốn hiểu nhau, bằng bất cứ giá nào. Một nước Đông Âu vừa xóa bỏ chế độ cộng sản: Ai nấy muốn biết đời sống bên xứ đó ra sao, vật giá bên đó ra sao, văn thơ bên đó ra sao. Một thi sĩ Nam Mỹ hay Bắc Phi chẳng hạn vừa được giải Nobel văn chương: Lập tức, ai nấy muốn biết ông ta viết cái gì v.v... Người ta sẵn sàng trả cho cái biết ấy một giá cao: Điệu thơ? giọng thơ? lời thơ? — Hi sinh luôn.
— Biết như vậy rồi có... ngưỡng mộ được không?
— Được tất, bạn ơi. Thời nào tục nấy. Thời nay khối người kiếm vợ qua văn phòng xe duyên: kẻ Âu người Á, trông qua tấm ảnh mà yêu nhau, mà nên vợ nên chồng. Ảnh với thơ dịch, đại khái như nhau. Người thì chỗ cao chỗ thấp, ảnh thì bẹt; người khi e ấp khi suồng sã đều hay, khi mát rượi khi nóng bừng đều hay, ảnh cứng đờ bất động; người thì thơm tho, ảnh vô vị; người sờ vào có điện giật, ảnh vô tri v.v... Thơ dịch, khác gì đâu? Nhưng xem xong một bài thơ Nga xô dịch ra lục bát, vẫn có thể cả tiếng tuyên bố là đặc biệt yêu thích tác giả: Sợ gì? Miễn ông ta nổi tiếng lớn.
— Hừm! Thời nay tục nay như thế rồi đi tới đâu?
— Tới thơ trí tuệ.
— Bạn nghĩ vậy thật đấy à?
— Không nghĩ vậy không xong. Một mặt bạn, chính bạn, bảo rằng thơ dịch bây giờ xuất hiện trên khắp tạp chí văn nghệ các nước; một mặt tôi nhớ ông Nguyễn Hưng Quốc có lần cũng nhận thấy bây giờ nhiều thơ trí tuệ. Người nào cũng đúng cả. Tôi chỉ thêm vào một ý kiến: E giữa hai sự việc có mối liên hệ. Bạn nghĩ coi: Khi bạn sống giữa một thời đại mà các đại danh gia quốc tế, các con đại bàng trên đỉnh Thi Sơn (Parnasse), các thi hào thi bá tiền tiến nhất của thế kỷ đều trao gửi đến ta toàn thơ xương cả thì ai còn lòng nào ngó ngàng tới chất thịt của thơ nữa. Trăm trường hợp như một: thơ các vĩ nhân dịch ra đều chỉ còn trơ cái ý thơ thôi. Thơ như thế đang thành công lớn; họa có điên mới làm khác.
Dạo xem riết những con vật trưng bày trong bảo tàng viện, dám có ngày thấy động vật toàn xương trông dễ coi, dám có lúc nghĩ rằng động vật thời tiền sử thường không có thịt. Phải cố gắng vận dụng tưởng tượng mới hình dung được cách khác.
— Tôi không nghĩ có thể giải thích xu hướng thơ trí tuệ bằng luận điệu của bạn.
— Bạn có lý. Chúng ta đang nói chuyện thơ dịch, chúng ta không có chủ đích đi giải thích thơ trí tuệ. Thơ trí tuệ có thể phát sinh do năm chục nguyên nhân chính đáng. Tìm tòi cho đầy đủ những nguyên nhân ấy là công việc của người giải thích thơ trí tuệ. Tôi chỉ xin phép bạn giành lấy một chỗ nhỏ xíu cho thơ dịch thôi. Bạn nghiệm xem: nó có phần đóng góp đấy, không sao?
Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ
Gửi lúc 17:02, 17/03/03
home_nguoikechuyen
Người đi tìm Lá Diêu Bông
Một người gắn bó và đang xây dựng TTVNOnline ngày một tốt đẹp hơn
,Vietnam
Thành viên từ 01:40, 15/05/02
Đã được 45 người bình chọn (4.47)
Than phiền
Có lẽ Home hết bài để viết rùi. Anh em ơi, thảo luận để. Xin được bắt đầu bằng mấy ví dụ điẻn hình trong Họa... diễn ...dịch
(từ bản chính của Hán diễn Quốc ngữ)
1
Nhứt bát thiên gia phạn Cô thân vạn lý du Kỳ vi sanh tử sự Giáo hoá độ xuân thu
(bản dịch sang Quốc ngữ)
2
Bình bát cơm ngàn nhà Một thân muôn dặm qua Chỉ vì niềm sống chết Giáo hoá độ ta bà
Huyền Không dịch
(bản dịch sang Quốc ngữ)
3
Độc... xuôi...hành!
Một bát ăn ngàn nhà Một người qua vạn dặm Chỉ vì sự mất còn Dạy dỗ mãi xuân thu
LT
(bản họa sang Quốc ngữ)
4
Độc... ngược...hành!
Ngàn nhà ăn một bát Vạn dặm vẫn một thân Sinh thác vẫn không màng Thu về đến xuân sang
LT
Thí dụ (II):
(từ bản Quốc ngữ, có thể cũng đã được chuyển dịch rồi!?)
1
Cố viên tâm
Xuân đến vì ai ai biết xuân Bao nhiêu xuân đến bấy nhiêu lần Hỏi thăm trong mộng người quê cũ Có thấy hoa đào rụng đỏ sân
Lưu Kỳ Linh
(bản dịch ngược qua Hán ngữ)
2
故園心 誰知春到到爲誰 幾度春來幾此期 問訊夢中人故里 見否桃紅落徧籬
HC
(hai bản Hán diễn Quốc ngữ)
3
Cố viên tâm
Thuỳ tri xuân đáo đáo vị thuỳ? Kỷ độ xuân lai kỷ thử kỳ. Vấn tấn mộng trung nhân cố lý . Kiến phủ đào hồng lạc biến ly ?
HC
Cố viên tâm
Thuỳ tri xuân đáo đáo vị thuỳ? Kỉ độ xuân lai kỉ thử ky. Vấn tấn mộng trung nhân cố lý . Kiến phủ đào hồng lạc biến li ?
TPP
(vài bản dịch sang Quốc ngữ hơi khác nhau chút đỉnh)
4
Ai biết xuân sang để vì ai? Mỗi độ xuân về một năm trôi Hỏi thăm trong mộng người thôn cũ Có thấy đào rơi thắm giậu ai?
TPP
Ai biết xuân về, đến với ai ? Mỗi mùa xuân tới, năm cũ qua! Hỡi người trong mộng từ cố quận! Ngắm đào thắm đỏ giậu nhà ai ?
LT
Thí dụ (III):
(từ bản chính là Hán diễn Quốc ngữ)
1
Xuân Vọng (Nguyên Tác: Đỗ Phủ)
Quốc phá sơn hà tại, Thành xuân thảo mộc thâm. Cảm thời hoa tiễn lệ, Hận biệt điểu kinh tâm. Phong hoả liên tam nguyệt, Gia thư để vạn kim. Bạch đầu tao cách đoản, Hồn dục bất thắng trâm.
Dịch nghĩa:
2
Nước bị tàn phá, sông núi vẫn còn. Mùa xuân trong thành, cỏ cây vẫn rậm. Cảm thương thời thế, hoa chứa chan nước mắt. Buồn xa cách chim cũng đau lòng. Khói lửa ròng rã ba tháng, Thư nhà quý đáng muôn nén vàng. Buồn phiền xoa đầu bạc, thấy tóc ngắn, Ngắn đến không thể cài trâm được.
TTT
Dịch thơ:
3
TRÔNG XUÂN Nước nát còn non sông Cỏ cây xuân mướt cùng Sầu tang hoa nhỏ lệ Hận biệt điểu kinh lòng Khói lửa ròng ba tháng Thư nhà giá vạn đồng Bạc đầu thêm tóc ngắn Búi mãi vẫn không xong
Bản dịch của cụ Trần Văn Ân (Côn Sơn 1959)
- ~*
Nước mất còn sông núi Thành xuân cảnh um tùm Biệt ly lòng chim hãi Cám cảnh lệ hoa tuôn Lửa hiệu liền ba tháng Thư nhà đáng mấy muôn Gãi hoài cùn tóc bạc Chừng tuột chiếc trâm luôn
Tương Như
- ~*
Chờ Xuân
Nước tan sông núi còn Xuân thời cây cỏ xanh Tang nhà hoa muốn khóc Biệt xứ chim kêu than Lữa lồng ba tháng ròng Tin nhà đáng ngàn vàng Ngắn đi mái tóc trắng Lòng muốn trâm chẳng cài
(Vọng cảm Xuân Quý Mùi) LT
Họa thơ:
4
Xuân Vọng (Đỗ Phủ)
Nước tan .. sông núi còn đây Thành xuân lặng đứng cỏ cây ngập trời Hoa buồn nhỏ sợi tơ trời (*) Chim buồn hát điệu rã rời chia ly Khói binh ba tháng còn chi Thư nhà tin qúi tợ như ngàn vàng Tay vuốt tóc bạc thưa đan Chạnh lòng tóc rụng búi tròn được chăng ?
(St. Valentin hoài cảm) TPP
- ~*
[i]XUÂN VỌNG (Đỗ Phủ)
Nước phá tan, núi sông còn đó Đầy thành xuân cây cỏ rậm sâu Cảm thời hoa rỏ dòng châu Biệt ly tủi giận, chim đau nỗi lòng Ba tháng khói lửa ròng không ngớt Bức thư nhà, giá đắt bạc muôn Gãi đầu tóc bạc ngắn ngun Dường như hết thảy, e khôn búi tròn.
Trần Trọng Kim
- ~*
[i]Nước tàn sông núi còn đây Thanh xuân cây cỏ mọc đầy khắp nơi Cảm thời hoa cũng lệ rơi Chim kia cũng sợ hận người lìa tan Lửa phong ba tháng lan tràn Thư nhà đưa đến muôn vàng chắt chiu Xoa đầu tóc bạc ngắn nhiều So le lởm chởm khó điều cài trâm
Trần Trọng San
Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em.
Gửi lúc 17:09, 21/03/03
tomsawyer
Hướng tới Mặt trời.
,Vietnam
Thành viên từ 01:39, 12/05/02
Đã được 4 người bình chọn (3.00)
Than phiền
Có bác nào nhớ câu chuyện vui về việc một người nước ngoài dịch câu ca dao "Gió đưa cành trúc la đà. Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xuơng" ra tiếng nước ngoài, sau đó dịch ngược trở lại tiếng Việt thì thành ra rất buồn cười. Em chỉ nhớ đại loại hình như "Bà trời thỉnh một hồi chuông. Canh gà húp vội, hóc xương quá chừng".
tom
Gửi lúc 15:50, 03/04/03
tomsawyer
Hướng tới Mặt trời.
,Vietnam
Thành viên từ 01:39, 12/05/02
Đã được 4 người bình chọn (3.00)
Than phiền
Đây rồi, tự em đã tìm thấy:
Ở Huế thuở nọ có một viên quan thực dân tự cho mình là thông thạo tiếng việt. Một ông giáo ta lấy cớ đang viết một luận văn bằng tiếng Pháp về tục ngữ, ca dao Việt Nam, đến nhờ ngài dịch hộ hai câu thơ sau đây ra thơ Pháp:
"Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông thiên Mụ, canh gà Thọ Xương" Không ngờ, vị quan tây này nói tiếng Việt thì tàm tạm, nhưng còn lâu mới có thể hiểu hết cái diệu vợi và tinh tế trong tiếng Việt. Bởi thế, khi dịch, ví chỗ nào, ngài lại lấy từ điển ra tra rồi dịch nguyên xi. Ví như: "cành trúc" dịch là "roi tre", "la đà" là "con la và con lạc đà", "thiên Mụ" là "vợ trời", " canh gà" là "canh thịt gà" và "Thọ xương" dịch là "khúc xương nấu kỹ". Cuối cùng ngài hì hục, ghép chữ vần thành một bài thơ đem tặng ông giáo.
Ðọc xong, ông giáo nảy ra một ý ngồ ngộ, đem "bài thơ" tiếng Pháp này nhờ một tay thông ngôn dịch ra thành một bài thơ tiếng Việt. Rất chung thành với nguyên bản Pháp văn, lại cũng giàu tâm hồn nghệ sĩ, anh thông ngôn đã dịch thành một bài lục bát sau đây :
"Roi tre vun vút vung ra Lũ lạc đà với lũ la chạy cuồng. Vợ trời gióng một hồi chuông Gọi về ăn bát canh xương gà tầu"
Được đấy chứ!
tom
Gửi lúc 14:21, 04/04/03
home_nguoikechuyen
Người đi tìm Lá Diêu Bông
Một người gắn bó và đang xây dựng TTVNOnline ngày một tốt đẹp hơn
,Vietnam
Thành viên từ 01:40, 15/05/02
Đã được 45 người bình chọn (4.47)
Than phiền
Ha, ha vui quá.Hay ghê
Có khi mưa ngoài trời là giọt nước mắt em.
Gửi lúc 17:37, 04/04/03
home_nguoikechuyen
Người đi tìm Lá Diêu Bông
Một người gắn bó và đang xây dựng TTVNOnline ngày một tốt đẹp hơn
,Vietnam
Thành viên từ 01:40, 15/05/02
Đã được 45 người bình chọn (4.47)
Than phiền
Sưu tầm trên mạng
Thanh-Tâm: Dịch Thơ Là Một Nghệ Thuật Sáng Tạo
Hàn Giang
Khi đọc một bài thơ, người ta thường cố gắng tìm hiểu cái vẻ đẹp thâm thúy, cái cảm xúc riêng tư của tác giả khi muốn gửi gắm tâm hồn mình trên từng con chữ.
J.P. Sartre đã nói rằng: " Một trong những động cơ thôi thúc nhà thơ phải sáng tạo là cái nhu cầu tự cảm thấy mình giữ vai trò cốt yếu đối với thế giới…" . Như vậy một bài thơ được viết ra không phải chỉ để trong ngăn kéo rồi lu mờ theo bụi thời gian đóng lớp, mà chắc hẳn tác giả cần đến độc giả muôn phương đọc tác phẩm của mình... Ai mà chẳng có khát khao hoài vọng mong muốn tác phẩm được chắp cánh bay bổng ngang dọc trong khung trời mênh mông bát ngát... để được sự đồng cảm của các tâm hồn đồng điệu khắp nơi, không cùng màu da, sắc tộc...
Những bài thơ Đường nổi tiếng như Hoàng Hạc Lâu, Phong Kiều Dạ Bạc, Tĩnh Dạ Tứ, Tỳ Bà Hành v.v. nếu không có những bậc tiền bối túc nho trưởng thượng dịch ra tiếng Việt, hoặc các học giả ngoại quốc dịch ra tiếng Anh, tiếng Pháp thì chắc hẳn sự thẩm thấu âm vang của cái hay, cái đẹp của hồn thơ, con chữ chỉ giới hạn trong một chủng tộc của ngôn ngữ đó mà thôi... Như vậy dịch giả là những nghệ sĩ cần được thẩm định có giá trị cao quí và công lao to lớn trong việc phổ biến những tác phẩm nghệ thuật ra ngoài khuôn khổ giới hạn của một tầng lớp thưởng ngoạn, vượt ra biên giới rào cản của ngôn ngữ...
Hai năm gần đây tôi đã được thưởng ngoạn rất nhiều bài thơ mà Chị Thanh-Tâm đã dịch ra tiếng Pháp... và Chị đã thành công tạo được những bản dịch thần sắc, mà chắn hẳn các tác giả những bài thơ nguyên tác rất hài lòng với những công việc thận trọng và chi ly mà Chị đã làm công việc chuyển ngữ. Trước khi đi sâu vào việc tìm hiểu những bản dịch Pháp của Chị Thanh-Tâm, tưởng cũng nên tìm hiểu qua cái khó khăn của công việc dịch thuật.
Chúng tôi xin trích dẫn vài dòng trong bài tham-luận " DỊCH LÀ ĐỐI THOẠI" của Nhà thơ và dịch giả Khương-Hữu-Dụng " Cám dỗ thứ nhất rủ rê ta quá nệ vào " nghĩa" . Thơ không phải có " nghĩa" mà còn có " chữ" , mà " chữ" trong câu thơ đều có giấy chứng minh riêng do nhà thơ cấp. Chính diện mạo riêng cũng như bố cục riêng của " chư" tạo thành sức sống trường kỳ của câu thơ. Chỉ tập trung vào " nghĩa" mà quên " chữ" sẽ cho ta một bản dịch tưởng là đúng cực kỳ, nhưng mà sai ghê gớm vì người dịch đã vô tình mắc trọng tội giết chết bài thơ để cung cấp cho ta một cái " xác" , giống thì giống thật, nhưng không có " hồn" ... " (KHD).
Mặt khác, một học giả Trung-Hoa cho rằng việc dịch thơ cần phải dựa trên ba yếu tố căn bản và thiết yếu là " Tín, Đạt, Nhã" .
" Tín" là đòi hỏi phải trung-thành với nguyên-bản của bài thơ, cần nghiền ngẫm chu-đáo kỹ lưởng, tìm hiểu lai lịch gốc tích, ý nghĩa của từng từ ngữ, cũng như điển tích của từ ngữ thơ, để cảm nhận nét hay vẻ đẹp của bài thơ gốc.
" Đạt" là đòi hỏi chính xác và thành đạt như bài thơ gốc, đúng như tư duy và cảm nghĩ, ý tưởng của tác giả bài thơ.
" Nhã" nghĩa là trang-nhã, đẹp và hay, đọc bài thơ dịch cần có âm điệu, đọc lên gây sự rung cảm sâu xa cho người đọc.
Nhưng nếu theo đúng khuôn mẫu, phép tắc của ba yếu tố " Tín, Đạt, Nhã" thì e rằng việc dịch thơ sẽ khó khăn vô cùng... Cho nên dịch thơ đôi khi cũng cần sự phóng khoáng, cởi mở và không phải khư khư câu nệ gò bó theo đúng khuôn phép, tuy nhiên tránh việc làm lệch lạc " ý" của bài thơ gốc, nghĩa là phải lựa chọn chữ để đem được cái " ý tưởng" , " tâm hồn" và " thần sắc" vào bài thơ dịch, để độc giả khi đọc bài thơ đó tự-nhiên có cảm tưởng biết ngay cái nguồn gốc của bài thơ dịch là từ đâu... chứ không thể thêm thắt bừa bãi để biến thành " dịch" là " phản" thì thật là bất công và vô tâm đối với tác-giả bài thơ gốc. Thơ không phải là ngôn ngữ của " khoa học" (một cộng với một là hai) mà thơ là nguồn tinh-khôi của cảm nhận và ý tưởng hòa đồng, và từ sự vật cụ thể để dẫn dắt đến cái trừu tượng bao la khó diễn tả, không thể sờ, mó, ngửi... mà chỉ cảm nhận bằng tâm hồn và cảm xúc. Thơ là một ngôn ngữ của trực quan, có sức truyền cảm mãnh liệt. Sở dĩ chúng tôi xin nêu ra vài quan-điểm về sự dịch thơ để tìm một giải đáp có thể chấp nhận trong việc tìm hiểu và giải thích ý nghĩa những từ ngữ khó hiểu trong bài thơ nguyên tác.
Nền văn học Pháp và Trung Hoa đã có một ảnh hưởng quan trọng đến nhiều thế hệ tác giả Việt Nam , những người cầm bút sáng tác. Công việc đọc, tìm hiểu và dịch thuật đã cho chúng ta cảm nhận được cái mỹ quan của văn chương nước ngoài, làm phong phú cho chữ nghĩa ý tứ, phong cách của người cầm bút dưới những nhận thức phóng khoáng cởi mở hơn.
Công việc dịch thuật đâu phải giản đơn, đôi khi còn khó hơn là cầm bút sáng tác theo ngôn ngữ của mình. Đâu phải chỉ có một số vốn ngoại ngữ là có thể có một bài dịch thật trơn tru nhuần nhuyễn... Giỏi và thông suốt ngoại ngữ chưa phải là điều kiện cần thiết đầy đủ để làm công việc dịch thuật. Người dịch cần phải thông hiểu ngôn ngữ tiếng mẹ đẻ, những cũng chưa đủ, dịch giả cần phải thông suốt văn hóa, tập quán, lịch sử, xã hội phong tục của xứ sở của tác giả bài thơ nguyên tác. Chúng ta có thể lấy ví dụ: để diễn tả về màu đen, người Việt mình có thể dùng chữ con mèo " mun" , chó " mực" , mái tóc " huyền" , chuỗi hạt " huyền" v.v. làm ngôn ngữ phong phú, tinh tế và đầy thi vị... Đôi khi pha thêm một chút chữ Hán vào như hắc ín (nhựa đường màu đen). Một tấm bảng màu " đen" đâu thể gọi là tấm bảng " mun" , một con chó " mực" đâu có thể gọi là con chó " mun" v.v... Đó là chưa kể khi diễn đạt màu " đen" còn có những chữ phụ đi theo như: đen đủi, đen đúa, đen kịt, đen hắc, đen lánh, đen láy, đen tuyền, đen tối, đen nghịt, đen ngòm, đen nhánh, đen huyền, đen sì, đen thủi, đen thui, đen nhức, đen trũi... cơ mang nào mà kể! Ngôn ngữ Việt Nam thật là tinh tế, đa dạng và phong phú vô cùng. Tìm hiểu sự chính xác của chữ nghĩa trong một ngôn ngữ ngọai quốc để áp dụng cho bản dịch không thể là một công việc đơn giản, mà có thể làm cẩu thả được.
Gửi lúc 18:07, 08/02/04
home_nguoikechuyen
Người đi tìm Lá Diêu Bông
Một người gắn bó và đang xây dựng TTVNOnline ngày một tốt đẹp hơn
,Vietnam
Thành viên từ 01:40, 15/05/02
Đã được 45 người bình chọn (4.47)
Than phiền
Tôi xin trích một đọan của tác giả Nam Sơn nói về " Chuyện Vui Dịch Sách" : " Thứ nhất là phải có ngoại ngữ. Một nhà văn Mỹ phải nói là giỏi tiếng Việt, có thể tán gẫu với người Việt, nói năng ví von có vành có vẻ, dẫn tục ngữ thành ngữ nhuần nhuyễn. Mới năm 2000, ông tung ra bản dịch thơ Hồ Xuân Hương. Một cuốn sách dịch, lại là thơ, đến nay đã bán được hai vạn bản.
Tôi giở cuốn Spring Essence - The Poetry of Hồ Xuân Hương, NXB Copper Canyon ấn hành, gặp những câu kiểu này:
" Kind sir, if you love me, pierce me with your stick."
đó là dịch câu: " Quân tử có thương thì đóng cọc."
Cuối sách có giải thích: quả mít có thể chín sớm nhờ đóng cọc, theo kinh nghiệm người Việt. Một sự giải thích chu đáo và cần thiết.
Nhưng diễn giải nôm na thì câu tiếng Anh được hiểu là " Quân tử có thương thì đóng cái cọc của chàng vào" . Cái đại từ sở hữu của chàng thật sự đã làm câu thơ đang " thanh" bỗng trở nên " thô" thiển, rõ ràng một cách không cần thiết và mất tính đa nghĩa. Nhiều trí thức Mỹ tỏ ý thú vị hơn khi nghe tôi trình bày về nguyên bản, nhưng họ cho rằng câu thơ dịch trên vẫn gây được hiệu quả. Biết làm sao, họ chưa biết thơ Hồ Xuân Hương trong nguyên bản. Mà tiếng Anh, tiếng Pháp đòi hỏi tính lô-gích trong mọi tình huống đã buộc người dịch phải bám chặt lấy cái đại từ sở hữu của chàng nọ.
Những câu " Rúc rích thây cha con chuột nhắt - Vo ve mặc mẹ cái ong bầu" sao lại dịch thế này:
" The little father mouse squeaking about, doesn t care, nor the mother honeybee buzzing along, fat with pollen" Thây cha con chuột nhắt với mặc mẹ cái ong bầu mà lại dịch là " con chuột cha" và " con ong mẹ" thì đúng là người dịch, dù được tiếng là giỏi tiếng Việt, vẫn chưa thật sự thấm nhuần ngôn ngữ ấy." ( Nam Sơn).
Cái khó khăn của ngôn ngữ Việt Nam là có những chữ đồng âm mà dị nghĩa, nếu người dịch không thông suốt thấu đáo ngôn ngữ của bài thơ nguyên tác, thì e rằng có nhiều sai lầm đáng tiếc xảy ra. Tôi chỉ xin đơn cử một vài ví dụ mà tác giả Nguyễn Quảng Tuân đã nêu ra về " Những sai lầm trong quyển tự điển J. F. M. Génibrel về việc dịch các câu Kiều sang tiếng Pháp " – Quyển tự điển Việt Pháp của J. F. M. Génibrel từ trước đến nay vẫn được coi là một quyển tự điển có giá trị, đáng tin cậy để tham khảo. Trong cuốn tự điển đó, có nhiều câu Kiều, dịch giả đã hiểu sai và dịch sai như:
- " Cỏ non xanh tận chân trời" , Génibrel đã hiểu lầm chữ " non" nên đã dịch là: " De vertes montagnes s’étendent jusqu’à l’horizon" . Đúng ra " cỏ non" phải dịch là " le tapis vert d’herbe tendre" (tấm thảm cỏ xanh non), chứ không phải là " những ngọn núi xanh)
- " Đề huề lưng gió túi trăng" , Génibrel đã hiểu sai chữ " lưng" và dịch là " porter dans les bras et sur le dos le sac du vent et de la lune" . Thực ra chữ " lưng" phải dịch là " à moitié, à moitié rempli" (một nửa, đầy có một nửa)
- " Đầu cành quyên nhặt, cuối trời nhạn thưa " , Génibrel đã dịch là " Le coucou chante, perché sur une branche, l’oie sauvage lui répond du haut des airs où elle plane" . " Thưa" không phải là " répond" (trả lời), mà nghĩa đúng là " thưa thớt" , phải dịch là " clairsemé"
- " Nét buồn như cúc, điệu gầy như mai " , mà Génibrel đã hiểu lầm chữ " mai" là rạng đông, sớm mai, và đã dịch la: " La tristesse est comme un bouton de fleurs qui s’épanouit comme l’aurore du jour" . Đúng ra chữ mai phải hiểu là cây mai (abricotier) (Nguyễn Quảng Tuân – Tìm hiểu Nguyễn Du và Truyện Kiều). Chỉ đan cử một vài câu tiêu biểu, thật ra cuốn sách còn rất nhiều chỗ dịch sai nữa.
Như vậy rõ ràng công việc dịch thuật đâu phải đơn giản như húp một chén " chicken soup Thọ Xương..." (Tiếng chuông Thiên Mụ, canh gà Thọ Xương...)
Chúng ta rất tri ân những dịch giả ngoại quốc về những công trình lớn lao giúp việc phổ biến và truyền bá những tác phẩm văn hóa Việt Nam có giá trị đến các độc giả ngoại quốc, nhưng những tác phẩm văn học nổi tiếng nầy ( đáng lý dịch giả cần phải công phu và thận trọng hơn trong việc nghiên cứu tìm hiểu ý từ chính xác của nguyên bản) nhưng đã vấp phải một số lỗi lầm đáng tiếc như một tác giả Mỹ đã dịch thơ Hồ Xuân Hương hoặc tác giả Pháp đã dịch Truyện Kiều. Trở lại với những bài thơ dịch Pháp của Chị Thanh-Tâm, thì chắc chắn là chúng ta sẽ không gặp những chuyện tức cười nho nhỏ trong việc dịch thuật, nhất là Chị Thanh-Tâm với vốn liếng sâu rộng về Pháp Ngữ và cũng là một nghệ sĩ sáng tác thơ Việt, với một tâm hồn mẫn cảm, thì chắc hẳn tác giả đã cho chúng ta thưởng thức những bản dịch tài tình xuất sắc... Chị Thanh-Tâm chỉ muốn coi việc dịch thơ như một bộ môn giải trí, thư giãn tinh thần, sau những giờ làm việc mệt mỏi, hơn là cố ý làm văn nghệ, hoặc có một mục đích nào khác hơn. Chị đã từng tâm sự " mua vui thôi mà! Nếu đọc giả thấy coi được thì tôi cũng vui, đó cũng là sự khuyến khích để tôi tiếp tục..." và Chị cũng đã khiêm nhượng: " cần nhất là xin các tác giả chính của những bài thơ nguyên tác và các độc giả sự độ lượng nếu thấy có điều gì không đúng hay không vừa ý" . Thật ra sự bộc bạch chân tình của Chị cũng chỉ là lời khiêm nhượng mà thôi, vì Chị Thanh-Tâm với sự làm việc dịch thuật một cách thận trọng, nghiêm túc và tận tâm, và cần mẫn đã mang lại niềm vui bao la cho tác giả những bài thơ nguyên tác và sự hài lòng của các độc giả đọc thơ dịch của Chị.
Gửi lúc 18:08, 08/02/04
home_nguoikechuyen
Người đi tìm Lá Diêu Bông
Một người gắn bó và đang xây dựng TTVNOnline ngày một tốt đẹp hơn
,Vietnam
Thành viên từ 01:40, 15/05/02
Đã được 45 người bình chọn (4.47)
Than phiền
Nếu có đọc qua chút đỉnh tài liệu về thơ Pháp thì chúng ta thấy thơ Pháp có vẻ ít rắc rối hơn thơ Việt rất nhiều. Về hình thức thì cứ đo chiều dài của câu thơ Pháp là biết: như 1 âm (syllabe) là... thể monosyllabe, rồi 2 là disyllabe, 3 là trisyllabe, 4 là tétrasyllabe, 5 âm và 6 âm thì không có tên đặc biệt (vers de cinq syllabes hay vers de six syllabes), sau đó 7 là heptasyllabe, 8 là octosyllabe, 9 là ennéasyllabe, 10 là décasyllabe, 11 là endécasyllabe và cuối cùng 12 gọi là alexandrin. Trước thế kỷ 16 thì thông dụng là décasyllabe, sau đó thì alexandrin được xử dụng nhiều trong một thời gian dài, các tác phẩm cổ điển thường dùng thể thơ loại nầy. Thể thơ này có lẽ gò bó, không được thanh thoát cho từ ngữ được tự do " rồng bay phượng múa" nên Chị Thanh-Tâm chưa bao giờ thử. Giống như điệu thơ Đường Luật Việt Nam với niêm luật gò bó, khuôn khổ nên nhiều thi sĩ hiện đại cũng không muốn xử dụng.
Trong các thể thơ kể trên, tác giả có thể pha trộn với nhau một cách rất tự do, và bây giờ thì còn tự do hơn nữa, không có ràng buộc gì hết, kể cả vần (rime). Nói về Rime (vần) trong thơ Pháp chỉ nằm ở cuối câu, đại khái theo các thể sau: " abab" , " aabb" , " abba" . Khi một đoạn trên 4 câu có thể thuộc dạng " aaabcccb" . Nhiều đoạn 4 câu (quatrain) nối tiếp thì có thể là " aabb ccbb ddbb" hay " aabb bbcc ccdd ddee" v.v. tha hồ.
Đó là nói sơ qua một cách khái quát về thể điệu, cấu trúc, vận pháp, tiết tấu của một bài thơ Pháp, và thơ Pháp không có cái rắc rối của một bài thơ Đường là cái bố cục và kiến trúc đối ngẫu (đủ loại đối: biền ngẫu, đối cú, đối thanh, đối ý, đối từ, đối ngữ v.v.)
Chị Thanh-Tâm cũng đã tâm sự những nguyên tắc, tiêu chuẩn mà Chị đề ra để làm chuẩn trong việc dịch thơ là Chị luôn cố gắng tìm hiểu tối đa ý nghĩa xem tác giả muốn nói gì, muốn diễn đạt ý nghĩ và tình cảm gì trong bài thơ gốc vì thơ đọc lên đôi khi nhiều từ có vẻ mơ hồ rất khó hiểu. Có tác giả cho rằng phải " cảm" thơ chứ không cần " hiểu" , nhiều khi thơ thì dễ " cảm" đó, nhưng khó mà giải thích... Cảm thơ thì dễ vì tình cảm thì biến thiên vô tận. Thơ không cần để hiểu mà chỉ cần để cảm, cái đó có thể đúng với một bài thơ nguyên tác vì người đọc có thể thả hồn phiêu du vào cõi mộng để có những cảm giác tương ứng và có thể thưởng ngoạn những cái rung động thâm sâu của những cái đẹp trữ tình trong thơ. Nhưng khi làm công việc dịch thuật mà chỉ biết " cảm" , mà không cần " hiểu" thì e rằng có thể đi ra ngoài ý tưởng nguyên thủy của bài thơ gốc, và người dịch đã làm công việc " phản bội" rồi... Theo ý kiến của Chị Thanh-Tâm nếu chỉ " cảm" thì làm sao dịch cho nổi, do đó Chị phải ráng tìm hiểu, dù chỉ theo một khía cạnh nhỏ, mới có thể dịch được.
Từ đó, Chị ráng dịch thật trung thực cái ý nghĩa đã tìm ra. Trong việc lựa chọn từ ngữ thích hợp Chị ráng tìm chữ cho " vừa đúng" , " không nhà quê" hay là quá " bóng bẩy" một cách dị hợm. Và điều quan trọng theo Chị là phải có vần điệu mới có thể gọi là thơ vì dịch thơ mà ra văn xuôi phải công nhận là đọc nghe không có lý thú chút nào. Mặc dầu dịch phải trung thành với nguyên bản, nhưng dịch thơ thì bản dịch phải là thơ, chịu sự chi phối của vần điệu để bản dịch được chấp nhận như thơ. Cách dịch này đòi hỏi người dịch phải có khả năng thông hiểu, trách nhiệm chu toàn để sự tái tạo được hoàn mỹ. Chị đã cố gắng dung hợp tất cả những điều kể trên để thơ có " hồn" càng tốt, nghĩa là chị muốn chất thơ thấm nhuần vào từng con chữ, tạo những rung cảm đậm đà và quyến rũ gây những ấn tượng sâu đậm trong lòng người đọc. Và cuối cùng điều quan trọng nhất để hoàn chỉnh một tác phẩm dịch là phải tránh tất cả những lỗi văn phạm (grammar), chính tả (spelling) và cách hành văn (syntax) đặc biệt theo Pháp văn chứ không phải là tiếng Tây " bồi" .
Việc dịch thơ đã đến với Chị Thanh-Tâm như một sự rất ngẫu nhiên, như một cái duyên tình cờ với bài đầu tiên " Si Tu Savais" , dịch từ bài " Anh Đâu Biết" của nữ sĩ Đàm Giang – Sóng Việt. Bài " Anh Đâu Biết" có những cái rung động tuyệt vời, những tiết điệu âm thanh tha thiết, thu hút và quyến rũ, và Chị đã có sự đồng cảm với những ý từ nhẹ nhàng, trữ tình của bài thơ nầy và Chị đã không cưỡng lại trong việc cầm bút dịch bài thơ " tình đầu" này...
Si tu savais... J ai tant rêvé Qu un jour, tu m emmènerais visiter Au bord du fleuve, ta maison d enfance Avec son toit rouge couvant tes nobles espérances...
.....
J ai tellement désiré
Qu un jour, tu m emmènerais visiter Cette maison au toit vermeil, Et ce fleuve qui a gardé tes espoirs en éveil...
Si tu savais... - Thanh-Tâm (Traduction)
Anh đâu biết... em có những giấc mơ Mơ một ngày anh dắt em trở về Thăm ngôi nhà mái đỏ ven sông Giòng sông đó anh sống trọn tuổi thơ Ngôi nhà đó anh dệt mộng anh hùng...
.....
Em mong lắm, một ngày nào đó Anh dắt em trở về Thăm ngôi nhà mái đỏ ven sông... Thăm giòng sông ướp hoài bão một đời...
Anh đâu biết... - Trịnh Nguyễn Đàm Giang
Gửi lúc 18:11, 08/02/04
home_nguoikechuyen
Người đi tìm Lá Diêu Bông
Một người gắn bó và đang xây dựng TTVNOnline ngày một tốt đẹp hơn
,Vietnam
Thành viên từ 01:40, 15/05/02
Đã được 45 người bình chọn (4.47)
Than phiền
Cái " đầu tiên" bao giờ cũng trân quí vô cùng, đó là những khởi nguyên đột xuất cho nguồn xúc cảm của Chị... tiếp tục tuôn trào, để Chị thênh thang đi vào khu vườn thơ văn của mộng mơ và suy tư, khi có dịp thưởng thức những áng thơ hay khác. Từ đó, Chị có dịp dịch nhiều bài thơ khác, và thêm điều quan trọng nữa cũng nhờ đức lang quân khuyến khích và đồng tình nên Chị cảm thấy vui vui mà tiếp tục làm công việc dịch thuật dài dài... Cái thể điệu (style) dịch của Chị không những thanh thoát mà lại trữ tình, ngữ pháp mà chị xử dụng làm bài thơ đẹp bất ngờ, lai láng ý tình, cho chúng ta tưởng chừng đọc bài thơ dịch Pháp của Chị mà cứ ngỡ như một bài thơ nguyên tác... Chị đã lột được được cái hồn, được cái thần sắc của bài thơ gốc và không quên làm đẹp cho bài thơ bằng một ngôn ngữ mới dưới một hình thức mới, mà nếu ta là độc giả người Pháp chỉ biết tiếng Pháp thôi, thì đọc bài thơ dịch của Chị ta tưởng chừng như đó là chính là bài thơ do Chị sáng tác, gây những âm vang rung cảm trong lòng người đọc khôn nguôi...
Cũng như khi chúng ta đọc bài thơ Tình Tuyệt Vọng của Khái Hưng (Lòng ta chôn một khối tình, Tình trong giây phút mà thành thiên thu ...), ai có thể nghĩ rằng bài thơ nầy đã được dịch từ bài Sonnet của Felix Avers . Những bản dịch của Chị Thanh-Tâm đã diển tả đúng ý của tác giả bài thơ gốc và đã đáp ứng được yêu cầu mong đợi của tác giả bài thơ gốc cũng như chia sẻ những tư tưởng, tình cảm đến những độc giả khác biệt nhau về phương diện ngôn ngữ khi đọc những bản dịch của Chị. Ngoài những kỹ thuật thơ Pháp mà Chị đã học hỏi và nắm vững, chắc chắn Chị Thanh-Tâm phải có một tâm hồn nghệ sĩ nhạy cảm, những tình cảm chân thành của người yêu thơ say đắm, biết những nét hay vẻ đẹp tinh tế của thơ và biết làm thơ... Xin hãy đọc thử những vần thơ do chính Chị cảm hứng sáng tác, viết lên những lời hoan ca tôn vinh hạnh phúc và tình yêu, bằng những cảm xúc lãng mạn, bằng con tim chân chính mẫn cảm và một tâm hồn rất đỗi thơ và thơ:
Ba mươi năm trôi qua rồi, mau thật! Chợt nhớ lại, thấy lòng bồi-hồii Ôi, biết bao kỷ-niệm chồng chất Yêu thương hờn giận lúc đầy lúc vơi Tâm-hồn thể-chất tuổi xuân xanh Em đã trao trọn vẹn cho anh Được Trời cho hai con ngoan yêu dấu Chúng an lành thành đạt... mình vui thay!
.....
Em ước-mong ta bên nhau muôn đời Nguyện cùng nhau không thay lòng đổi dạ Đến mai kia, lúc về trời Hẹn anh tiếp nối cuộc đời kiếp sau...
Thanh-Tâm - trích bài thơ kỷ niệm 30 năm
Người làm bài thơ gốc và người dịch thơ có những điểm tương đồng và khác biệt. Họ giống nhau là ở chỗ là chuyển đạt tâm hồn và tình cảm vào chữ nghĩa, bằng những từ điệu và thanh âm gợi cảm dưới những hình thức ngôn ngữ khác nhau...
Cái điểm khác biệt là sự cảm hứng tự nhiên của người làm bài thơ nguyên tác, và người dịch tái tạo lại cái cảm hứng đó dưới một ngôn ngữ khác. Tuy nhiên công việc dịch thơ cũng không phải đơn giản tự nhiên, đâu phải nghĩ rằng với số vốn ngôn ngữ sẵn có, chỉ cần lắp ghép các con chữ miễn sao đúng với ý nghĩa của chữ trong bài thơ gốc, làm như vậy chỉ có tính cách gượng ép và không đem được cái hồn của bài thơ vào con chữ của ngôn ngữ mới... Với Chị Thanh-Tâm, tôi tưởng chừng việc dịch thơ của Chị là một công trình sáng tạo nhiều hơn là tái tạo. Chị có thể ví như một người họa sĩ đã chấm phá được những cái hay đẹp, mỹ cảm, duyên dáng của những hồn thơ con chữ trong bài thơ gốc, để truyền đạt những cảm nhận tinh nhuệ, những chất liệu sinh động đó vào bức tranh mà Chị tô màu sáng tác. Bức tranh muôn màu tuyệt tác đó – không cần làn ranh biên cương của ngôn ngữ chủng tộc – mà chính là bức tranh THƠ khi nhìn vào ai cũng cảm thông và đồng cảm được với các tác giả của bài thơ gốc và bài thơ dịch... Khó mà phân biệt được bài nào là gốc, là dịch, phải không các bạn? Như vậy thì dịch giả đâu phải là người " bắt chước" mà họ đã có tinh thần sáng tạo nghệ thuật và sự tinh tế phong phú. Các bạn thử nghĩ xem một bài thơ được viết bằng một thứ ngôn ngữ xa lạ, mà mình không thông thạo, không đọc được và không hiểu được như tiếng mẹ đẻ, thì hỏi thử bài thơ đó có giá trị đối với mình hay không? hay chỉ là một vật vô tri vô giác. Người dịch đã thành công khi đưa những người không đồng ngôn ngữ gần gũi cảm thông nhau hơn, đã biến bài thơ của một ngôn ngữ mà ta không hiểu được thành một món quà tinh thần vô giá, mà ta cảm thông và gần gũi như một bạn tri âm tri kỹ. Chị Thanh-Tâm là dịch giả thành công, mặc dầu Chị vẫn tự nhận là khiêm nhượng, nhưng phong cách dịch của Chị đã thể hiện một bút pháp mẫn tuệ, tài hoa, khéo léo, lựa chọn từ ngữ một cách thông minh, dựa trên cái nền cảm xúc sâu xa và chân thành khi đọc bài thơ nguyên bản.
Có những bài thơ rất khó dịch vì những từ ngữ liên quan đến triết lý nhân sinh của cuộc đời, quan niệm nho gia thuần túy Á Đông hoặc dựa trên những tư tưởng của tôn giáo và tâm linh... Tình thần Bát Nhã là suối nguồn thanh khiết cảm hứng của những dòng thơ man mác hương vị Thiền. Chị đã làm công việc tìm hiểu, tham khảo rất nghiêm túc về ý nghĩa của những từ ngữ khó hiểu, điển hình là hai bài thơ Thiền (Đóa Hoa Nghiêm – Hải Đà, Như Đóa Phù Vân – Trường Đinh). Những từ ngữ như viên mãn, vô thủy, vô chung, vô minh, ánh Đạo Vàng... Chị dịch như vậy thì chắc chắn các người Pháp đã hiểu được cái vẻ đẹp sâu sắc, cái mầu nhiệm của thế giới Hoa Nghiêm, cái thể tánh Chân Như và tinh thần Pháp Hoa:
Tu me questionnes quelle vérité restera; Voulant un monde immortel, quelle voie nous y conduira; Vers quel horizon sera le rivage de l éternel bonheur; La vie et la mort ont-elles un moyen libérateur; Quels principes viendront à bout envies et tentations; Quelle lumière brillera le chemin des illusions. Souriant, je demeure songeur, Une sérénité sans limite déborde mon coeur, Sous la Lumière Dorée de Bouddha, dans ce jardin bienheureux, La Fleur " Hoa Nghiem" éblouit d un éclat majestueux.
La Fleur Du Néant " Hoa Nghiem" - Thanh-Tâm (Traduction)
Em hỏi tôi chân lý nào viên mãn Con đường nào về vô thủy vô chung Chân trời nào là bến bờ vĩnh phúc Con đường nào qua sinh tử muôn trùng Nguyên lý nào tiêu tan ái dục Ánh sáng nào tỏa lộ vô minh Tôi mỉm cười im lặng Cảm thấy lòng thanh thản vô cùng Ánh Đạo Vàng lung linh vườn Đạo Hạnh Ngát thơm hồn nở rộ: ĐÓA HOA NGHIÊM...
Đóa Hoa Nghiêm - Hải Đà
Gửi lúc 18:13, 08/02/04
home_nguoikechuyen
Người đi tìm Lá Diêu Bông
Một người gắn bó và đang xây dựng TTVNOnline ngày một tốt đẹp hơn
,Vietnam
Thành viên từ 01:40, 15/05/02
Đã được 45 người bình chọn (4.47)
Than phiền
Khi Chị chuyển ngữ một bài thơ man mác hương vị Thiền có tính triết lý sâu sắc cao xa, diễn tả cuộc đời phù du mộng ảo, con đường trần ai khổ lụy, như bài Như Đóa Phù Vân của thi-sĩ Trường Đinh, những câu Chị dịch như " Chaque début, chaque nouvelle renaissance / De notre image... arrivent pour partir..." đúng là lột hết ý từ tiêu biểu trong bài thơ nguyên tác một cách độc đáo và rõ rệt:
Le futur s étend vers l infini, très lointain Le passé s envole hors de portée, pour de bon; Acclamons la vie qui éclôt si soudain À voir le sourire d adieu et de séparation. La mer par ses vagues apporte les sédiments Sur lesquels des brindilles invitent le soleil à venir; Chaque début, chaque nouvelle renaissance De notre image... arrivent pour partir...
A L image Ephémère Des Nuages - Thanh-Tâm (Traduction)
chuỗi long lanh ngày mai xa vợi dĩ vãng bay ngoài tầm tay với ta chiêm ngưỡng ánh đời nở vội nhìn nụ cười chào tiễn chia phôi biển phù sa nhiệm mầu sóng vỗ ngọn cỏ xanh tìm mời nắng ấm mỗi sơ khai từng sinh diệt mới ta hữu hình… đến để ra đi…
Như Đóa Phù Vân - Trường Đinh
Bài thơ khác của Mai Tâm nói về cảnh đời dâu bể, thế thái nhân tình, cái khổ đau hệ lụy trong cuộc sống đời thường, như bóng câu bên khung sổ, như gió thoảng mây trôi... nỗi the thắt bàng hoàng của cái vòng vô thường sinh diệt, cái triết lý nhân sinh của bài thơ cũng đã được Chị Thanh-Tâm dụng công diễn tả rất tài tình. Hai câu cuối: " La vie change, parfois gaie, parfois triste, On finira par " y arriver" , lentement ou... très vite!" đã bộc lộ trọn vẹn tất cả những suy tư mà tác giả muốn nói.
Des fleurs, des cierges, beaucoup d émotions! Des douleurs et des larmes, autant d afflictions! Le paradis, le salut éternel, sont-ils imaginaires? La souffrance est vraie et existe! C est l enfer!
.....
La vie change, parfois gaie, parfois triste, On finira par " y arriver" , lentement ou... très vite! Le Onze Septembre - Thanh-Tâm (Traduction)
Bó hoa, ngọn nến, những bùi ngùi Uất ức, lệ rơi, tiếng sụt sùi Thiên đàng hưởng phước! chân hay giả Địa ngục a tỳ thiệt chẳng chơi
.....
Thế sự vui buồn xoay bao xiết Chậm mau rồi cũng sẽ đến nơi! Ngày Mười Một Tháng Chín - Mai Tâm
Chị Thanh-Tâm đã thể hiện qua từng câu thơ, từng chữ dịch được cái linh hồn quê hương Việt Nam, cái mộc mạc nguyên thủy, những hình ảnh chân quê bình dị Việt Nam, những tình cảm tinh tế sinh động Việt Nam... cứ quanh quẩn qua những câu thơ Pháp mà Chị đã chuyển mạch tài tình... Chị đã đem được hình ảnh của trăng sáng quê hương, một mái nhà tranh rưng rưng nỗi nhớ, một con sông nhỏ sóng nước bập bềnh với con thuyền lặng lờ xuôi mái, dạt dào kỷ niệm êm đềm... đến những vòm trời Tây xa lạ muôn trùng, tưởng chừng như những hình ảnh thân quen đó chập chờn ẩn hiện trên bến nước sông Seine, như bài " Si Tu Savais - Anh Đâu Biết" đã kể trên.
Bằng những câu thơ dịch tràn đầy tư duy và cảm xúc, sâu sắc giàu hình tượng, với ngôn ngữ mới tinh tế và rõ ràng, Chị Thanh-Tâm đã dàn trải những giọt nắng quê hương ấm áp tình người, những lũy tre làng đầy đặn nghĩa tình, những tiếng sáo diều mênh mang nỗi nhớ, nỗi niềm gái quê tha thiết, ăm ắp hương thơm quê nhà mà độc giả tha phương có thể thấy những giá trị truyền thống quê hương, có thể bắt gặp những hình ảnh phương Đông nhẹ nhàng trìu mến đó trong bất cứ nơi chốn xa xăm nào đó
Je t envoie
quelques brins d herbe en bordure des champs, le parfum des aréquiers florissants, l air charmeur des flutiaux de cerf-volant…
Je t envoie
la fumée du soir émanant des chaumières, l odeur enivrante du fourrage des rizières, l image de notre abri au bord de la rivière… Je t enverrai, en y ajoutant, les jacinthes d eau aux fleurs violettes, flottantes,
.....
Cadeaux Champêtres -Thanh-Tâm (Traduction)
gửi anh nắm cỏ ven đê chút hương cau trắng, đê mê sáo diều gửi anh chút khói lam chiều hương rơm ngai ngái chiếc lều bên sông lục bình hoa tím giữa giòng
.....
Quà Quê - Nguyễn Thanh-Trúc
Thử phác họa vài nét thô thiển đơn sơ về thi ca Pháp, người viết muốn nói thêm cái phong cách trong thơ dịch của Chị Thanh-Tâm. Cũng như bất cứ nền thi ca của một quốc gia nào trên thế giới, thơ Pháp đã trải qua rất nhiều giai đoạn thăng trầm, từ những lúc phôi thai, đến khi hình thành, phát triển và biến thiên theo nhiều chiều hướng và trường phái khác nhau. Các nhà thơ Pháp đã thành lập nhiều thi đàn, thi phái khác nhau như Brigade, La Pléiade, Parnasse... rồi đến thời gọi là Hoa Lệ của thi ca (Belle Époque), các trường phái như lãng mạn khát khao cái tuyệt đối, mang tính nội tâm (Chateaubriand, Musset, Lamartine, Hugo..., trường phái mang khuynh hướng bảo vệ luân lý (Sully Prudhomme...), bộc lộ cái triết lý nhân sinh thống khổ, tuyệt vọng (Baudelaire... ), rồi đến trào lưu tượng trưng chủ nghĩa mang những cái sâu sắc tiềm ẩn cao cả hơn là những lớp son lòe loẹt của hình thức bên ngoài (Paul Verlaine...), qua trào lưu thơ siêu thực tự do về hình thức, đoạn tuyệt với quá khứ (Guillaume Apolinaire, Jacque Prévert), trong khi Paul Valery với ngôn ngữ trừu tượng đã truyền bá sự tự do tư tưởng v.v. Với những phát triển và trau chuốt về hình thức, kỹ thuật thơ, các nhà thơ Pháp luôn tìm kiếm những cái kỳ diệu mới lạ trong nguồn cảm hứng làm thi ca mang tính chất trữ tình, lãng mạn hơn, nhưng thanh nhã, trong sáng và gẫn gũi với quần chúng hơn.
Đọc những bài thơ dịch của Chị Thanh-Tâm, mặc dầu nói là thơ dịch, nhưng nếu chúng ta quên đi những ý tưởng trong bài thơ nguyên tác, và nếu độc giả chỉ biết một ngôn ngữ mẹ đẻ là tiếng Pháp, thì chắc hẳn sẽ thấy những sáng tạo thơ dịch của Chị Thanh-Tâm man mác những cái sầu êm ái, nhẹ nhàng và băn khoăn như bài thơ " Les Nuages Passants" , có chút gì lãng mạn trữ tình của Musset, Lamartine. .
.....
Ses rires cristallins venant de son visage innocent, Dans les rues, ensemble nous nous promenons Avec quelques lueurs de tendresse et de passions; Dans l air parfumé, planent ces flocons de fleurs légères, Sa chevelure ondule comme un nuage dans le vent Qui, avec le doux soleil, caresse ses épaules entières. Pense-t-elle encore à ces souvenirs d antan? Ou bien sont-ils déjà loin comme ces nuages passants...
Les Nuages Passants - Thanh-Tâm (Traduction)
.....
Tiếng em cười tan vỡ thủy tinh Cái tuổi hồn nhiên mấy ngõ đường Những thoáng vu vơ, những thoáng tình Những trời bông phấn thoáng đầy hương Mây chiều buông xõa tóc nghiêng dài Nắng hồng dịu ngọt thấm bờ vai Kỷ niệm có còn trong trí nhớ? Hay đã bay rồi, thoáng mây bay...
Thoáng Mây Bay - Vương Ngọc Long
+++
Than phiền
Bài thơ " Le Temps Est Triste" nói về cái tôi đau khổ, nỗi niềm tha thiết, cái cảm xúc thanh khiết thuần túy của nội tâm, một biểu tượng siêu thóat, có chút tình xao xuyến lâng lâng mang dáng dấp thi điệu mênh mang của nỗi lòng Victor Hugo, những thi ảnh trữ tình và âm điệu dịu vợi sâu thẳm trong tâm hồn Paul Verlaine. Bài thơ đã tạo được truyền cảm ngân vang, những cái rung động kỳ diệu trong khu vườn chữ nghĩa mới.
.....
Gouttes après gouttes comme les " Ngâu pleurant" , Tantôt précipitées comme un torrent, Tantôt déchainées comme l océan... Des pages d amour sont emportées par la pluie, Des souvenirs d antan s effacent ainsi, La pluie emmène toutes les douleurs, Pour les retourner à... l expéditeur, Et... me laisse un vide dans le coeur...
Le Temps Est Triste - Thanh-Tâm (Traduction)
.....
Rả rích như mưa Ngâu Dồn dập như thác lũ Vũ bão như biển Đông. . . Mưa cuốn sạch thư tình Mưa kéo trôi kỷ niệm Mưa gánh hết ưu phiền Mang trả lại một người để hồn ta trống vắng...
Trời Buồn - Sóng Việt
Bài thơ Le Destin - Định Mệnh" biểu thị sự cô đơn, nói lên được sự dung hợp của mối sầu kim cổ, nỗi buồn đau của nhân thế, và thời thế, một kiếp người lênh đênh giữa biển đời trôi nổi, lồng vào khung cảnh thiên nhiên của cỏ cây hoa lá, chịu sự tàn phai qua gió bụi thời gian...
.....
Personne d autre ne contemple les fleurs; il y en a plein. Elles éclorent d une manière attrayante, Mais le mauvais temps a réduit leur splendeur. Dans la vie, existent parfois des matins radieux, De sombres crépuscules, autant de changements. .....
Le Destin - Thanh-Tâm (Traduction) .....
Bóng người chẳng thấy nhìn toàn là hoa Hoa nở nét đẹp mặn mà Nhưng vì sương gió làm nhoà vẻ xinh Cuộc đời có lúc bình minh Có tàn bóng xế có nghìn đổi thay ..... Định Mệnh - Thanh-Hương
Những câu thơ mang lại Đức Tin cao thượng và thánh thiện làm kim chỉ nam cho hành động và suy tư của con người, có gía trị tác động tinh thần hướng về cuộc sống tâm linh, lấy tôn giáo làm nền tảng:
Les paroles du Seigneur me suivent toute la vie; Sa bienveillance en moi garantit Une protection contre ce monde hasardeux, De tous ses tracas douloureux. Un jour, nos corps retourneront à la poussière, Nous finirons inévitablement aux cimetières; Mais, dans notre âme, La Trinité apparait Pour nous redonner une vie de joie et de paix...
Les Grâces Recues Tous Les Jours - Thanh-Tâm (Traduction de " Amazing Grace" - John Newton)
Với lòng thanh thản an nhiên gợi nhớ những giấc mơ êm đềm thời thơ ấu, cái hạnh phúc đơn giản không cầu kỳ cao xa, " Xin Hãy Tiếp Tục" ... thi ca là lẽ sống của đời thường, đem lại sự giải thóat của những lo âu dằn vặt, đó là hành trình của hướng thiện, khai tâm và bừng ngộ:
Si une émotion soudaine s exalte Amenons notre esprit vers le calme Revenons à nous Prenons quelques instants Pour exprimer nos vrais sentiments ..... N arrêtons pas... - Thanh-Tâm (Traduction)
2 Chút hoài cảm chợt dâng Hãy để hồn lắng dịu Hãy nghĩ đến chính ta Hãy bỏ dăm ba phút Để viết lên cảm nghĩ ..... Xin Hãy Tiếp Tục... - Sóng Việt
Những bài thơ tạo nên những giai điệu mùa Thu tuyệt vời gợi cảm phải kể đến bài " Chanson d automne" của Paul Verlaine có những câu mà tôi vẫn nhớ:
Les sanglots longs Des violons De l automne Blessent mon coeur D une langueur Monotone...
Paul Verlaine đã dùng cây đàn vĩ cầm (violon) để tạo nên âm thanh huyền diệu của tiếng thu vàng, làm người đọc phải bâng khuâng xao xuyến thăm thẳm tận đáy lòng. Thơ Jessica Tôn trầm mặc như một hiền triết, đã dùng hình ảnh của chiếc cào (râteau) làm biểu tượng chiếc lược vi diệu của vườn thu để phác họa một bức tranh Thu diễm tuyệt, làm người đọc phải sững sờ trước vẽ đẹp lộng lẫy của những chiếc lá vàng đỏ muôn màu óng ánh rực rỡ để rồi cuối cùng cũng không thoát khỏi định luật thiên nhiên tuần tự đi vào sự tàn phai... qua chu kỳ biến hóa của bốn mùa trong trời đất: Le râteau du jardin accomplit bien ses tâches...
Voici un fascinant engin inventé pour ramasser à l automne les crins que les arbres débarrassent chaque année de leur coiffure changeant, pour arborer une austère apparence. ..... Le râteau du jardin accomplit bien ses tâches; balayant la pelouse, il débarrasse du décor les débris des feuilles mortes vers leur place comme filtrer au travers d un espace multicolore; ..... Le Râteau Du Jardin - Thanh-Tâm (Traduction)
an intriguing contraption, designed to brush the hairs of autumn as the trees forsake their chameleon wigs for the year to don a mask of bareness ..... the garden comb does its duties sweeping through the grass guiding the dying remnants to their place filtering through a sundry of spectrum colors ..... Garden Comb - Jessica Ton
Ai làm thơ mà chẳng mong có tri âm tri kỷ để chia sẻ nỗi buồn vui trang trải trên manh giấy. Một Giả Đảo khi xưa đã từng than thở: " Hai câu ròng rã ba năm / Rưng rưng ngấn lệ sầu ngâm tủi thầm / Ngậm ngùi vắng bóng tri âm / Thu về góc núi đêm nằm suy tư..." . Như vậy sự cảm thông, tiếp nhận, sự rung cảm chân tình của người đọc thơ làm thi nhân vui sướng vô bờ. Ai làm thơ mà chẳng mong bài thơ mình được sự đón tiếp nồng nhiệt, được vượt ra ngoài biên cương giới hạn của ngôn ngữ chủng tộc. Một hình thức để đem lại sự tiếp cận dễ dàng và nối liền sự tương thông đồng cảm, văn hóa giữa các dân tộc không cùng ngôn ngữ là bài thơ được phiên dịch. Cám ơn Chị Thanh-Tâm đã ưu ái cho tác giả sáng tác và độc giả khắp nơi cái cơ hội truyền bá và tiếp nhận nguồn thi cảm tỏa đầy hương sắc, hài hòa âm điệu. Cái nguyên khởi của văn chương nghệ thuật va công trình dịch thuật sáng tạo của Chị Thanh-Tâm phải chăng vì tấm lòng ưu ái dâng trọn cho văn chương và tình cảm đích thực đã cống hiến cho độc giả muôn phương những tác phẩm dịch tuyệt vời... Những tác phẩm đó phát xuất từ cuộc đời chân thành và tâm hồn nhạy cảm của người làm thơ cũng như dịch thơ... Chắc hẳn những bài thơ dịch của Chị đã để lại dấu ấn sâu thẳm trong tâm khảm người đọc khắp nơi... Thơ không còn là những ký hiệu lạ lùng trên bản văn, không còn là những con chữ riêng rẽ của mỗi chủng tộc không cùng màu da tiếng nói, mà thơ đã trở thành bức tranh thủy mạc hữu tình, dễ cảm thông, tình tự dù người đọc bất lực trong việc tìm hiểu ngôn ngữ của nguyên tác... Bằng những gam màu mỹ thuật qua bàn tay và khối óc tài hoa linh động, Chị Thanh-Tâm đã chuyển biến một cách tự nhiên những con chữ tạo hình khác nhau thành những bức tranh Thơ tuyệt vời đậm đà phong vị dân tộc... mà ai cũng có thể cảm nhận được... Với thần trí sáng tạo, Chị Thanh-Tâm đã làm đẹp và trong sáng cho ngôn ngữ thi ca. Thơ không còn ẩn mật mà đã được Chị khéo léo chắp đôi cánh huyền diệu để tự do bay bổng bốn phương trời...
Hàn Giang
Gửi lúc 18:15, 08/02/04
sacred_coeur
Thích nhất kể chuyện, thứ nhì mơ mộng, thứ ba ăn quà...
,Vietnam
Thành viên từ 20:38, 08/11/02
Đã được 16 người bình chọn (4.88)
Than phiền
Trích từ:
..."Gió đưa cành trúc la đà Tiếng chuông thiên Mụ, canh gà Thọ Xương" Không ngờ, vị quan tây này nói tiếng Việt thì tàm tạm, nhưng còn lâu mới có thể hiểu hết cái diệu vợi và tinh tế trong tiếng Việt. Bởi thế, khi dịch, ví chỗ nào, ngài lại lấy từ điển ra tra rồi dịch nguyên xi. Ví như: "cành trúc" dịch là "roi tre", "la đà" là "con la và con lạc đà", "thiên Mụ" là "vợ trời", " canh gà" là "canh thịt gà" và "Thọ xương" dịch là "khúc xương nấu kỹ". Cuối cùng ngài hì hục, ghép chữ vần thành một bài thơ đem tặng ông giáo....
Hi hi, caí na`y vui quá, bạn gì đó ơi, chép lại cho tui baì tiếng Tây này được không?
Never stop asking for reasons why
Gửi lúc 13:22, 09/03/04
home_nguoikechuyen
Người đi tìm Lá Diêu Bông
Một người gắn bó và đang xây dựng TTVNOnline ngày một tốt đẹp hơn
,Vietnam
Thành viên từ 01:40, 15/05/02
Đã được 45 người bình chọn (4.47)
Than phiền
1. Muốn dịch đúng, phải có hiểu biết về văn hoá nước mình
Trong bài "Dịch là chấp nhận phần số của mình" (Ngôn Ngữ và Dịch Thuật, 20.01.02 và 22.01.02), Nguyễn Quốc Trụ có nêu lên một ý tưởng nhằm giúp người dịch bớt sai sót. Ông viết:
"Bản dịch sẽ bớt sai sót, nếu: Người dịch thật rành rẽ tiếng... Việt. Ðây là điều kiện tiên quyết, tối hậu, sinh tử v.v... và v.v... đối với bất cứ một cá nhân nào lăm le dịch tiếng nước ngoài ra tiếng nước mình. Bạn càng rành rẽ tiếng nước mình tới đâu, bản dịch càng đáng tin cậy tới mức đó."
Tôi hoàn toàn đồng ý với Nguyễn Quốc Trụ về điều ấy, vì điều ấy vốn đã hiển nhiên đến độ ai cũng biết. Tôi chỉ xin góp ý với ông rằng, để bản dịch bớt sai sót, không những người dịch phải thật rành rẽ tiếng nước ngoài và tiếng nước mình, mà còn phải có hiểu biết về... văn hoá nước mình nữa. Ðiều này thoạt nghe có vẻ... quá thừa, nhưng, kỳ thực, lại chẳng thừa chút nào.
Thông thường, trong các cuộc đàm luận về dịch thuật, người ta thường bảo nhau rằng để bản dịch bớt sai sót, người dịch phải có hiểu biết về văn hoá của quốc gia làm chủ thứ tiếng của văn bản gốc. Chẳng hạn, để dịch nhóm chữ "Extraordinary Fellow", người dịch phải biết rõ các chức năng và trách vụ trong sinh hoạt hàn lâm của các học viện ở Anh quốc, chứ không thể tỉnh khô quăng ra nhóm chữ kỳ quặc "Người Bạn Khác Thường", như Nguyễn Quốc Trụ đã "dịch" ra Việt ngữ chức vụ của George Steiner tại Học Viện Churchill thuộc đại học Cambridge. Ðọc nhóm chữ "Người Bạn Khác Thường", chắc chắn độc giả Việt Nam trong nước sẽ chẳng đoán nổi ông Steiner làm gì ở Học Viện Churchill. Tôi trộm nghĩ có lẽ nên dịch nhóm chữ "Extraordinary Fellow" thành ra "Viện Sĩ Kiệt Xuất", hay "Viện Sĩ Ưu Liệt", chẳng hạn, thì dễ hiểu hơn và chính xác hơn chăng?
Tuy nhiên, đối với độc giả phổ thông, những sai sót như thế của dịch giả có thể tạm... "thông qua", vì cái ông Steiner gì đó có là "Người Bạn Khác Thường" của học viện gì đó ở Anh quốc thì cũng chẳng sao cả. Vâng, tạm "thông qua", vì không rành văn hoá của nước ngoài thì "nhìn chung" cũng có thể châm chước được (mặc dù đối với giới dịch thuật chuyên nghiệp thì đây là điều không thể khoan thứ).
Nhưng dịch mà không rành văn hoá nước mình là điều thật khó "thông qua". Thật ra, trong các cuộc đàm luận về dịch thuật của chúng ta, tôi cũng chưa nghe ai nhắc đến điều kỳ cục này. Có lẽ vì đó là điều khó có thể xảy ra. Ấy vậy mà nó lại xảy ra mới thật là đau chứ!
Năm 1997, trong lúc đọc tạp chí Thơ (số 11), tôi tình cờ thấy một bản Việt ngữ của bài thơ "El guardián de los libros" của Borges do Nguyễn Quốc Trụ thực hiện. Borges là một tác giả tôi say mê, và bài thơ ấy cũng là một bài thơ tôi đặc biệt yêu thích, vì có lẽ đó là bài duy nhất Borges viết về Trung Hoa. Tôi lập tức đọc bản dịch Việt ngữ. Và tôi... lạnh mình. Ngay từ những câu đầu tiên của bài thơ, Nguyễn Quốc Trụ đã dịch như thế này:
Người Giữ Những Cuốn Sách
Sừng sững nơi đây: Những khu vườn, những miếu đền và lý do của những miếu đền; đúng: âm nhạc, đúng: những từ; hình sáu điểm sáu mươi-bốn; những buổi lễ; chúng là sự uyên thâm độc nhất ông trời dành cho con người; ...
Nguyên tác tiếng Tây Ban Nha của đoạn thơ trên là thế này:
El guardián de los libros
Ahí están los jardines, los templos, y la justificación de los templos, la recta música y las rectas palabras, los sesenta y cuatro hexagramas, ...
Tạm bỏ qua mấy chỗ chướng mắt nho nhỏ như những dấu hai chấm vô nghĩa, chẳng hạn; hay như nhóm chữ "la recta música y las rectas palabras" (trong bản Anh ngữ là "exact music and exact words"), mà Nguyễn Quốc Trụ dịch thành "đúng: âm nhạc, đúng: những từ" (sao không dịch là "chính nhạc và chính ngôn"?); tôi xin thú thật rằng tôi... nín thở khi thấy nhóm chữ "los sesenta y cuatro hexagramas" (trong bản Anh ngữ là "the sixty-four hexagrams") bị ông dịch thành "hình sáu điểm sáu mươi-bốn".
Bài thơ này nằm trong một bài phỏng vấn Borges, do Di Giovanni thực hiện. Như thế, Nguyễn Quốc Trụ hiển nhiên đã dịch từ bản tiếng Anh. Theo như diễn biến của cuộc phỏng vấn đó, sau khi nghe Di Giovanni đọc hai câu "exact music and exact words, / the sixty-four hexagrams", Borges đã ngắt lời và giải thích rất rõ ràng ý đồ của mình. Thử đọc lại bản dịch của Nguyễn Quốc Trụ ở đoạn này:
Di Giovanni: Exact music and exact words; the sixty-four hexagrams...
Borges: Tôi đang nghĩ đến The Book of Changes, hay I Ching, và những hình sáu điểm...
Như thế, Borges cho biết rõ rằng ông viết hai câu thơ trên khi đang nghĩ đến Kinh Dịch. Tôi ngờ rằng Nguyễn Quốc Trụ không biết "The Book of Changes", hay "I Ching", tức là Kinh Dịch, và có lẽ ông cũng chưa hề đọc Kinh Dịch hay bất cứ sách nào về Kinh Dịch, nên ông mới bạo gan sáng tác một nhóm chữ vô nghĩa là "hình sáu điểm sáu mươi-bốn" để dịch nhóm chữ "the sixty-four hexagrams".
Ở đây, tạm bỏ qua hiểu biết căn bản về Kinh Dịch, chỉ riêng việc chuyển ngữ trực tiếp đã vấp phải sai lầm trầm trọng. Tệ lắm cũng phải dịch "the sixty-four hexagrams" thành "sáu mươi bốn hình sáu điểm" cho đúng văn phạm, chứ sao lại thành "hình sáu điểm sáu mươi bốn"? Mà người dịch "thật rành rẽ tiếng Việt" thì sao lại có cú pháp lạ lùng như thế!
Thật ra, có lẽ đa số người Việt có hiểu biết căn bản về văn hóa Ðông Á đều hiểu ngay "the sixty-four hexagrams" là "lục thập tứ quái", hay dễ hiểu hơn, là "sáu mươi tư quẻ sáu vạch". Từ "sáu mươi tư quẻ sáu vạch" ở Ðông Á, chạy sang tiếng Tây Ban Nha và tiếng Anh thành "los sesenta y cuatro hexagramas" và "the sixty-four hexagrams", thì chẳng có gì rắc rối. Ðến khi nó chạy ngược về tiếng Việt, qua trung gian dịch thuật của Nguyễn Quốc Trụ, thì thành... sấm: "hình sáu điểm sáu mươi bốn". Ðố ai hiểu đó là cái gì nữa?
2. Muốn dịch đúng, trước hết phải... đọc
Trong bài "Nói mà chơi" (Ngôn Ngữ và Dịch Thuật, 08.05.02), Phạm Xuân Nguyên viết:
Ông Dương Tường có nói một ý này hay: dịch những tác phẩm văn học để giúp cho giới văn nâng cao nghệ thuật kỹ thuật viết, ngoài ra còn giúp cho đông đảo người Việt viết đúng viết giỏi tiếng Việt hơn. Tôi nhắc đến cuốn “Terre de l’homme” của Saint-Exupéry với hai cách chuyển ngữ đầu đề: “Cõi người ta” (Bùi Giáng), “Quê xứ con người” (Nguyễn Thành Long). Ông Tường bảo ông muốn dịch là “Nhân gian”, vì cái tên gốc có cả phần đất và phần người, hai cái tên dịch kia nhấn nhiều về phía người, vả lại đọc sách thì thấy cậu Hoàng tử nhỏ ở hành tinh khác nhìn về quả đất kia mà.
Ông Dương Tường nói: "dịch những tác phẩm văn học để giúp cho giới văn nâng cao nghệ thuật kỹ thuật viết". Nghe thích lắm. Và ông nói: "...giúp cho đông đảo người Việt viết đúng viết giỏi tiếng Việt hơn". Nghe lại càng thích. Chỉ có một điều cả ông Dương Tường lẫn ông Phạm Xuân Nguyên quên nói. Ðó là: muốn dịch những tác phẩm văn học nước ngoài, trước hết phải chịu khó đọc những tác phẩm ấy.
Ðiều này nghe có vẻ quá thừa thãi và đáng buồn cười nhưng, kỳ quặc thay, lại cần phải nói ra ở đây. Bằng chứng hiển nhiên là cả hai ông Dương Tường và Phạm Xuân Nguyên đều chưa đọc tác phẩm của Saint-Exupéry mà đã "dịch" tùm lum cả lên! Này nhé: nhan đề cuốn sách là Terre des hommes chứ đâu phải là "Terre de lhomme". Té ra hai ông chưa đọc đến cả nhan đề của nguyên tác! Lại nữa: cuốn Terre des hommes (do Saint-Exupéry viết năm 1939 sau khi được André Gide khuyến khích) kể lại đoạn đời của chính tác giả khi làm phi công cho Aéropostale, chứ đâu phải cuốn Le petit prince (viết năm 1943) mà có cái chuyện "vả lại đọc sách thì thấy cậu Hoàng tử nhỏ ở hành tinh khác nhìn về quả đất kia mà"? Té ra hai ông cũng chưa đọc cả hai bản dịch Cõi người ta và Hoàng tử bé của Bùi Giáng! Thật thú vị nhỉ!
Nhân đây, tôi cũng xin nói thêm rằng tôi không đồng ý với chuyện "Ông Tường bảo ông muốn dịch là “Nhân gian”, vì cái tên gốc có cả phần đất và phần người, hai cái tên dịch kia nhấn nhiều về phía người".
Chữ "gian" có nghĩa là "giữa". Trong Từ Ðiển Hán Việt Hiện Ðại (nxb Thế Giới, Hà Nội, 1994), chữ "nhân gian" được giải thích là "giữa cuộc đời, giữa những con người". Vậy, "phần đất" của ông nằm ở chỗ nào? Còn chữ "cõi", ngược lại, có thể là chữ chứa chút ít "đất" trong đó chứ chẳng chơi. Khi người anh em Trung quốc kéo quân xâm lấn "bờ cõi" của nước ta, thì nhân dân trong toàn "cõi" Việt Nam há đã chẳng tạm thời gát lại mọi chuyện của "cõi" riêng để cùng hiệp lực chống trả đó ư? Cụ Tiên Ðiền làm thơ "trăm năm trong cõi người ta...", thì "cõi" ấy ở trên mặt đất hay là ở đâu vậy?
Bùi Giáng, nhà thơ tài hoa đã từ giã "cõi" trần, dịch Terre des hommes thành Cõi người ta, tưởng là đã quá hay, mà lại bị chê bai bởi những dịch giả chưa hề đọc Terre des hommes. Ngược lại, Louis Galientière dịch Terre des hommes thành Wind, Sand, and Stars, tưởng là quá... trật lất, mà lại được La Société Civile pour l’Œuvre et la Mémoire d’Antoine de Saint-Exupéry xem là bản dịch classique. Thế mới biết tiêu chuẩn dịch thuật của trí thức Việt Nam quá cao so với Pháp! Hãnh diện quá!
theo edu. net.vn